BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 07 năm 2023
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU HỘ VÀ ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN CÔNG TÁC CỨU
HỘ TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT
ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công
tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc, có hiệu lực
kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023.
Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9
năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số
32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo
trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi là Nghị định số 32/2014/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số
10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử
dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về công tác cứu hộ và định
mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc.[1]
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về công
tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc.
2. Thông tư này áp dụng đối với
tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, khai thác và sử dụng đường cao tốc
trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Cứu hộ là hoạt động hỗ
trợ phương tiện, hàng hóa tham gia giao thông trên đường cao tốc khi gặp tai nạn,
sự cố.
2. Cơ quan quản lý đường cao
tốc là Cục Đường cao tốc Việt Nam[2], Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Đơn vị được giao tổ chức
khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi là đơn vị khai
thác, bảo trì) là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công
trình đường cao tốc, được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua
hợp đồng với cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với nhà đầu tư.
4. Nhà đầu tư xây dựng và quản
lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi là nhà đầu tư)
là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc
và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc.
5. Đối tượng cứu hộ là
phương tiện vận tải đường bộ, hàng hóa trên phương tiện cần cứu hộ khi xảy ra
tai nạn, sự cố trên đường cao tốc.
6. Đơn vị cứu hộ là tổ
chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ cứu hộ.
Điều 3.
Phương án cứu hộ và hợp đồng thực hiện công việc cứu hộ
1. Phương án cứu hộ là một bộ
phận trong phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc được người có thẩm
quyền phê duyệt.
2. Nội dung phương án cứu hộ
bao gồm:
a) Tình huống cần cứu hộ thường
xảy ra: vị trí, số lượng và tình trạng đối tượng cần cứu hộ;
b) Địa điểm tập kết đối tượng cứu
hộ trên tuyến;
c) Thông tin về phương tiện,
hành trình và thời gian cứu hộ: số lượng, chủng loại phương tiện và công suất
phương tiện cứu hộ huy động, địa chỉ phương tiện cứu hộ xuất phát, đường đi đến
hiện trường, các hỗ trợ từ đơn vị khai thác bảo trì, thời gian tiếp cận hiện
trường, thời gian thực hiện cứu hộ, đường đi trong và sau khi cứu hộ ứng với từng
vị trí, đoạn tuyến tiếp cận để thực hiện cứu hộ.
3. Hoạt động thực hiện công việc
cứu hộ là một hạng mục trong hợp đồng quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc,
được ký kết giữa cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc nhà đầu tư với đơn vị khai
thác, bảo trì. Đơn vị khai thác, bảo trì tự tổ chức thực hiện khi có đủ điều kiện
hoặc ký hợp đồng thực hiện các công việc cứu hộ quy định tại các điểm
b, c, d và đ khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.
Điều 4.
Nguyên tắc quản lý, tổ chức thực hiện cứu hộ
1. Khi xảy ra tai nạn, sự cố cần
thực hiện công tác cứu hộ trên đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải tổ
chức thực hiện phương án cứu hộ nhanh chóng, kịp thời để giải phóng hiện trường,
đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 16 của Nghị
định số 32/2014/NĐ-CP.
2. Nguồn cung cấp thông tin đề
nghị cứu hộ:
a) Người điều khiển, chủ phương
tiện đề nghị cứu hộ;
b) Trung tâm quản lý điều hành
giao thông tuyến đường cao tốc phát hiện đối tượng cần cứu hộ thông qua hoạt động
giám sát giao thông, tuần đường;
c) Nguồn thông tin khác.
3. Trường hợp người điều khiển,
chủ phương tiện tự tổ chức thực hiện cứu hộ thì ngay sau khi phát hiện sự việc,
đơn vị khai thác, bảo trì có trách nhiệm:
a) Cử lực lượng đến hiện trường
thực hiện giám sát, trợ giúp thực hiện cứu hộ theo phương án cứu hộ được duyệt
đảm bảo tuân thủ quy tắc giao thông, an toàn giao thông và thời gian thực hiện;
b) Đình chỉ hoạt động tự thực
hiện cứu hộ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và khẩn trương tổ
chức thực hiện cứu hộ theo phương án cứu hộ khi đối tượng tự thực hiện cứu hộ
không đủ điều kiện về thiết bị cứu hộ, vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm điều
kiện đảm bảo an toàn giao thông, có khả năng kéo dài thời gian thực hiện so với
thời gian dự kiến của trường hợp tương tự trong phương án cứu hộ.
4. Trường hợp người điều khiển,
chủ phương tiện đề nghị cứu hộ thông qua điện thoại khẩn cấp thì ngay sau khi
nhận được đề nghị, đơn vị khai thác, bảo trì tổ chức thực hiện cứu hộ theo
phương án cứu hộ. Trong trường hợp tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác, đơn vị
khai thác, bảo trì xác minh ngay thông tin và quyết định tổ chức thực hiện cứu
hộ kịp thời theo phương án cứu hộ.
5. Khi thực hiện công tác cứu hộ,
đơn vị khai thác, bảo trì được sử dụng các điểm quay đầu đổi chiều khẩn cấp
trên dải phân cách giữa để giảm chiều dài và thời gian hành trình của các xe tuần
đường, cứu hộ, hỗ trợ cứu hộ, cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông.
Điều 5.
Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc
1. Ngay sau khi nhận được thông
tin đề nghị cứu hộ, đơn vị khai thác, bảo trì xác minh thông tin nếu cần thiết,
trực tiếp tổ chức thực hiện cứu hộ hoặc gửi yêu cầu cứu hộ đến đơn vị cứu hộ.
Yêu cầu cứu hộ bao gồm các nội dung:
a) Vị trí: lý trình, điểm vào
đường cao tốc và hướng đi đến;
b) Đối tượng cứu hộ: số lượng,
trọng lượng và loại hàng hóa; số lượng, loại và tình trạng phương tiện cần cứu
hộ; số lượng người cần hỗ trợ cứu hộ;
c) Thời gian có mặt tại hiện
trường và thời gian dự kiến hoàn thành cứu hộ;
d) Địa điểm tập kết của từng đối
tượng cứu hộ.
2. Đơn vị khai thác, bảo trì phải
điều động lực lượng đến ngay hiện trường phối hợp thực hiện việc sơ cấp cứu ban
đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường, điều tiết giao
thông phạm vi hiện trường cứu hộ theo quy định trong suốt thời gian thực hiện cứu
hộ.
3. Thứ tự thực hiện cứu hộ:
a) Hỗ trợ di chuyển người cần cứu
hộ đến địa điểm tập kết;
b) Cứu hộ hàng hóa trên phương
tiện:
Cứu hộ hàng hóa trên phương tiện
được thực hiện theo trình tự: tháo dỡ hàng hóa ra khỏi phương tiện cần cứu hộ,
đưa vào vị trí tập kết tạm thời (trong phạm vi được cảnh báo); che phủ, bảo vệ
hàng hóa nếu cần thiết; bốc xếp hàng hóa lên phương tiện cứu hộ; vận chuyển
hàng hóa đến địa điểm tập kết; xếp hàng hóa tại địa điểm tập kết. Việc bốc dỡ,
vận chuyển và xếp hàng hóa tuân thủ theo quy định của pháp luật;
c) Cứu hộ phương tiện:
Thực hiện cứu hộ phương tiện đến
địa điểm tập kết theo quy định của Thông tư này và quy định khác của pháp luật
có liên quan. Chỉ được lưu thông trên làn đường sát làn dừng khẩn cấp;
d) Bàn giao kết quả cứu hộ và
di chuyển phương tiện cứu hộ ra khỏi đường cao tốc;
đ) Xác nhận kết quả thực hiện cứu
hộ;
e) Xác định mức độ, giá trị thiệt
hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra;
g) Dọn dẹp, vệ sinh hiện trường
sau cứu hộ.
4. Trường hợp cần thiết, đơn vị
khai thác, bảo trì đường cao tốc được phép huy động phương tiện phù hợp đang
lưu hành trên đường cao tốc để vận chuyển người cần hỗ trợ cứu hộ về địa điểm tập
kết khi điều kiện cho phép và phải đảm bảo an toàn giao thông. Khối lượng cứu hộ
này không tính vào khối lượng cứu hộ do đơn vị cứu hộ thực hiện.
Điều 6. Quản
lý chi phí cứu hộ trên đường cao tốc
1. Nội dung chi phí cứu hộ trên
đường cao tốc bao gồm:
a) Bảo vệ hiện trường, điều tiết
giao thông khu vực hiện trường;
b) Vận chuyển người trên phương
tiện được cứu hộ đến nơi quy định;
c) Bốc dỡ, vận chuyển, xếp hàng
hóa trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định;
d) Cẩu, dựng phương tiện, thiết
bị được cứu hộ (nếu cần thiết);
đ) Vận chuyển phương tiện, thiết
bị được cứu hộ đến nơi quy định;
e) Xác định mức độ, giá trị thiệt
hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra;
g) Dọn dẹp, vệ sinh hiện trường
sau cứu hộ;
h) Hỗ trợ cứu hộ (xác minh
thông tin, mở và đóng các điểm quay đầu đổi chiều khẩn cấp trên dải phân cách
giữa, cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông).
2. Chi phí cứu hộ do người điều
khiển phương tiện chi trả nếu nguyên nhân dẫn đến việc cần cứu hộ do người điều
khiển phương tiện gây ra hoặc do tình trạng kỹ thuật của phương tiện gây ra (kể
cả nguyên nhân do xếp, buộc hàng hóa sai quy định). Chi phí cứu hộ do đơn vị được
giao tổ chức khai thác, bảo trì hoặc chủ đầu tư tuyến đường cao tốc chi trả nếu
nguyên nhân dẫn đến việc cần cứu hộ do hư hỏng của công trình đường cao tốc hoặc
nguyên nhân khách quan khác (không do lỗi của người điều khiển phương tiện).
3. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn,
sự cố cần cứu hộ do đơn vị khai thác, bảo trì xác định. Trường hợp không đồng ý
với nguyên nhân được đề xuất; người điều khiển phương tiện thỏa thuận với đơn vị
khai thác, bảo trì lựa chọn tổ chức có chuyên môn phù hợp để xác định nguyên
nhân. Chi phí xác định nguyên nhân được tính vào chi phí cứu hộ. Trường hợp
không thỏa thuận được thì các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp
luật.
4. Trong trường hợp đặc biệt,
các hạng mục công việc cần cứu hộ không có định mức được quy định tại Thông tư
này, chi phí thực hiện công tác cứu hộ được xác định trên cơ sở lập dự toán thực
tế, trình cơ quan có thẩm quyền sau đây phê duyệt:
a) Cục Đường cao tốc Việt Nam[3] hoặc cơ quan được Cục Đường
cao tốc Việt Nam[4] ủy quyền;
Sở Giao thông vận tải đối với đường cao tốc được giao quản lý;
b) Nhà đầu tư đối với đường cao
tốc được đầu tư xây dựng và khai thác theo hình thức hợp đồng BOT hoặc hình thức
hợp đồng dự án khác.
Điều 7.
Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Cơ quan quản lý đường cao tốc:
a) Kiểm tra, giám sát đơn vị
khai thác, bảo trì trong việc thực hiện công tác cứu hộ và tuân thủ phương án cứu
hộ;
b) Kiểm tra, giám sát việc tổ
chức thực hiện công tác cứu hộ quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông
tư này của các đơn vị liên quan; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều
chỉnh, bổ sung định mức phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Nhà đầu tư:
a) Kiểm tra, giám sát đơn vị
khai thác, bảo trì trong việc thực hiện công tác cứu hộ và tuân thủ phương án cứu
hộ được duyệt;
b) Định kỳ báo cáo công tác thực
hiện cứu hộ đường cao tốc do mình quản lý về cơ quan quản lý đường cao tốc theo
quy định.
3. Đơn vị khai thác, bảo trì:
a) Thông báo đến cơ quan quản
lý đường cao tốc, nhà đầu tư các thông tin: tên, vị trí, năng lực, hướng tiếp cận
hiện trường, số điện thoại liên hệ của tất cả các cơ sở tham gia cung cấp dịch
vụ cứu hộ cho từng tuyến đường cao tốc;
b) Tiếp nhận thông tin, đưa ra
các yêu cầu cứu hộ và tổ chức thực hiện cứu hộ theo phương án tổ chức cứu hộ được
duyệt;
c) Ghi chép sổ nhật ký cứu hộ;
d) Xác nhận chủ phương tiện,
người điều khiển phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến cứu
hộ để cho phép giải phóng hàng hóa, phương tiện được lưu tại địa điểm tập kết
sau cứu hộ;
đ) Định kỳ hàng năm, đơn vị
khai thác, bảo trì tổ chức lựa chọn đơn vị cứu hộ có đủ năng lực, đáp ứng
phương án cứu hộ và có đơn giá cứu hộ hợp lý; thông báo tới cơ quan quản lý đường
cao tốc, nhà đầu tư theo quy định.
4. Đơn vị cứu hộ:
a) Đảm bảo năng lực cứu hộ sẵn
sàng trong thời gian hợp đồng có hiệu lực;
b) Thực hiện cứu hộ theo yêu cầu
cứu hộ đáp ứng thời gian quy định.
5. Chủ phương tiện, người điều
khiển phương tiện được cứu hộ:
a) Tuân thủ trình tự thực hiện
cứu hộ quy định tại Điều 5 Thông tư này;
b) Tự bảo quản hàng hóa (cả về
số lượng, chất lượng) trong thời gian hàng hóa lưu tại địa điểm tập kết sau cứu
hộ;
c) Chi trả các chi phí cứu hộ
liên quan cho đơn vị khai thác, bảo trì.
Điều 8. Định
mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc
Định mức dự toán công tác cứu hộ
trên đường cao tốc áp dụng tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Hiệu
lực thi hành [5]
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.
Điều 10. Tổ
chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam[6], Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh các vướng mắc, các tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản,
gửi về Cục Đường cao tốc Việt Nam[7] để hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT (để đăng tải);
- Lưu: VT, PC (02).
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Thọ
|
[1] Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng
8 năm 2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ
kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai
thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ.”
[2]
Cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” được thay thế bởi cụm từ “Cục Đường cao tốc
Việt Nam”theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023.
[3]
Cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” được thay thế bởi cụm từ “Cục Đường cao tốc
Việt Nam”theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023.
[4]
Cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” được thay thế bởi cụm từ “Cục Đường cao tốc
Việt Nam”theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023.
[5] Điều 20 của của Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023 quy định như
sau:
“Điều 20. Điều khoản thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực
từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ
trưởng, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường Cao tốc Việt
Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./."
[6]
Cụm từ “Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam” được thay thế bởi cụm từ “Cục
trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam” theo quy định tại khoản 2, Điều 9 của Thông
tư số 06/2023/TT-BGTVT ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai
thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07
năm 2023.
[7]
Cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” được thay thế bởi cụm từ “Cục Đường cao tốc
Việt Nam”theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT
ngày 12 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì
và bảo vệ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023.