Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BGTVT năm 2014 hợp nhất Thông tư về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 17/VBHN-BGTVT
Ngày ban hành 12/11/2014
Ngày có hiệu lực 12/11/2014
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.

Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ1.

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước.

2. Thông tư này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành Công an, Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng là loại ô tô được định nghĩa tại các tiêu chuẩn TCVN 6211:2003, TCVN 7271:2003.

2. Máy kéo là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có bốn bánh xe và thường dùng để kéo một rơ moóc chở hàng.

3. Máy kéo nhỏ là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, được liên kết với thùng chở hàng qua khớp nối, lái bằng càng hoặc vô lăng lái, có bốn bánh xe (hai bánh của đầu kéo và hai bánh của thùng hàng).

4. Trọng tải thiết kế của ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng được hiểu là trọng tải thiết kế của ô tô tải cùng kiểu loại hoặc tương đương.

5. Trọng tải của ô tô tải để sử dụng tập lái được hiểu là trọng tải của ô tô theo thiết kế của nhà sản xuất.

6. Giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới (người lái xe) để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới.

7. Thời gian hành nghề lái xe là thời gian người có giấy phép lái xe đã lái loại xe ghi trong giấy phép lái xe.

8. Người hành nghề lái xe là người sinh sống bằng nghề lái xe.

9. Lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là số lượng học viên lớn nhất tại một thời điểm (theo ngày) mà cơ sở được phép đào tạo, xác định bằng tổng lưu lượng học viên đào tạo các hạng giấy phép lái xe (bao gồm cả học lý thuyết và thực hành).

Phần II

[...]