Văn bản hợp nhất 16/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật thi đua, khen thưởng do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 16/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 13/12/2013
Ngày có hiệu lực 13/12/2013
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2013

 

LUẬT

THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Luật thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 47/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005;

2. Luật số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010;

3. Luật số 39/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về thi đua, khen thưởng1.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng.

Điều 2.

Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Điều 3.

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thi đua là họat động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.

Điều 4.2

Nhà nước thực hiện khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng, khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khen thưởng quá trình cống hiến và khen thưởng đối ngoại.

Điều 5.3

Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Điều 6.

1. Nguyên tắc thi đua gồm:

a) Tự nguyện, tự giác, công khai;

b) Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2.4 Nguyên tắc khen thưởng gồm:

[...]