Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BCA năm 2022 hợp nhất Thông tư quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 13/VBHN-BCA
Ngày ban hành 24/06/2022
Ngày có hiệu lực 24/06/2022
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/VBHN-BCA

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA CẢNH SÁT ĐƯỜNG THỦY

Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2020, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; Thông tư số 45/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự đăng ký mẫu con dấu, thu hồi và hủy con dấu, hủy giá trị sử dụng con dấu, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu; Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy; Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 5 năm 2022.

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 06 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết một số trường hợp cụ thể trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy.

Điều 2. Nguyên tắc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính

1. Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bảo đảm tính minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, an toàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính và các vi phạm pháp luật khác theo đúng quy định.

3. Chỉ được bố trí cán bộ đã được cấp Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát đường thủy làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa.

4. Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính để sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân, cản trở hoạt động giao thông vận tải thủy, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 3. Bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thời gian tuần tra, kiểm soát

1.[2] Trên mỗi tuyến giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động qua mỗi địa phương được bố trí một hoặc nhiều Tổ tuần tra, kiểm soát. Mỗi tổ gồm Tổ trưởng và các tổ viên. Số lượng cán bộ trong mỗi Tổ tuần tra, kiểm soát do Thủy đội trưởng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy hoặc Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thủy đội trưởng, Trạm trưởng, Đội trưởng) quyết định nhưng phải bảo đảm yêu cầu:

a) Tuần tra, kiểm soát lưu động bằng tàu gồm: Tổ trưởng và ít nhất 02 tổ viên phải bảo đảm đủ định biên thuyền viên theo quy định của Bộ Công an;

b) Tuần tra, kiểm soát lưu động bằng xuồng máy, bằng phương tiện thủy khác, bằng phương tiện cơ giới đường bộ hoặc đi bộ gồm: Tổ trưởng và có ít nhất 02 tổ viên; trong đó người điều khiển phương tiện tuần tra, kiểm soát phải có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Chứng chỉ chuyên môn, Giấy phép lái xe theo quy định;

c) Kiểm soát tại trạm hoặc một điểm trên tuyến gồm: Tổ trưởng và ít nhất 02 tổ viên;

d) Trường hợp một hoặc nhiều tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động thuộc địa bàn do Thủy đội, Đội Cảnh sát đường thủy, Đội Cảnh sát giao thông hoặc Trạm Cảnh sát đường thủy (Thủy đội, Đội, Trạm) quản lý, trong cùng một thời gian bố trí nhiều Tổ tuần tra, kiểm soát cùng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì Thủy đội trưởng, Đội trưởng, Trạm trưởng quyết định số lượng Tổ tuần tra, kiểm soát và chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy hoặc phân công cấp phó trực tiếp chỉ huy từng tuyến.

2. Thời gian thực hiện nhiệm vụ của một Tổ tuần tra, kiểm soát không quá 08 giờ/ngày. Trường hợp cần kéo dài thêm thời gian thì Thủy đội trưởng, Đội trưởng, Trạm trưởng phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng) hoặc Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp huyện) nhưng phải bảo đảm chế độ nghỉ bù cho cán bộ theo quy định.

3. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải bố trí đủ cán bộ ứng trực và trực ban tại đơn vị 24/24 giờ.

4. Trang bị của một Tổ tuần tra, kiểm soát:

[...]