Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 03/VBHN-BGDĐT
Ngày ban hành 31/03/2020
Ngày có hiệu lực 31/03/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/VBHN-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TUYỂN SINH TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN; TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ

Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2019.

2. Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2020.

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học,

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ[1].

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng[2]

1. Thông tư này quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; các trường cao đẳng được phép đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục tiêu

1. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trường lao động, được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

2. Thực hiện công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của cơ sở giáo dục để các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn cơ sở giáo dục dự tuyển.

Điều 3. Ngành, khối ngành đào tạo

1.[3] Ngành đào tạo trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh là ngành quy định trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Khối ngành được xác định bằng tập hợp một hoặc một số lĩnh vực giáo dục, đào tạo cấp II trong Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc phân chia khối ngành theo quy định tại Phụ lục số II của Thông tư này.

3.[4] Những ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học gồm: Du lịch (mã ngành 7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã ngành 7810103); Quản trị khách sạn (mã ngành 7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (mã ngành 7810202) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

4.[5] Nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học gồm: Khoa học máy tính (mã ngành 7480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (mã ngành 7480102); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành 7480103; Kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480106); Hệ thống thông tin (mã ngành 7480104); Hệ thống thông tin quản lý (mã ngành 7340405); Công nghệ kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480108); Công nghệ thông tin (mã ngành 7480201); An toàn thông tin (mã ngành 7480202); và các mã ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin.

Điều 4. Giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng[6]

1. Giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy định như sau:

a) Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc người lao động của các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học (ban bành năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2018, sau đây gọi là Luật Giáo dục đại học), được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

b) Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

c) Các giảng viên được xác định cơ hữu khi không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác.

[...]