Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BGTVT năm 2017 hợp nhất Thông tư quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 02/VBHN-BGTVT
Ngày ban hành 02/03/2017
Ngày có hiệu lực 02/03/2017
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHẠM VI TRÁCH NHIỆM CỦA THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN VÀ ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định phạm vi, trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 04/2017/TT-BGTVT ngày 20 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định phạm vi, trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.1

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

2. Thông tư này không áp dụng đối với phương tiện làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ2

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ca làm việc là thời gian thuyền viên thực hiện nhiệm vụ theo chức danh được phân công trên phương tiện thủy nội địa nhưng không vượt quá 08 giờ làm việc trong 01 ngày.

2. Chuyến hành trình là thời gian phương tiện hoạt động bắt đầu từ cảng, bến xuất phát đầu tiên đến cảng, bến đích cuối cùng.

3. Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

4. Chức danh thuyền viên trên phương tiện bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy.

5. Nhân viên phục vụ là người làm việc trên phương tiện nhưng không phải là thuyền viên, người lái phương tiện.

Điều 4. Trách nhiệm chung của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

1. Chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật của nước khác khi phương tiện của Việt Nam đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của nước đó.

2. Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh trong khi làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp, thực hiện đầy đủ thủ tục giao nhận ca, ghi chép nhật ký đầy đủ, rõ ràng.

3. Chỉ rời phương tiện khi được phép của người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc chủ phương tiện.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ phương tiện3

1. Lập sổ danh bạ thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, trang bị sổ nhật ký phương tiện đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 300 tấn trở lên hoặc phương tiện chở khách có sức chở từ 50 khách trở lên.

[...]