Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối với chiến lược Việt - Anh

Số hiệu 59/2010/SL-LPQT
Ngày ban hành 08/09/2010
Ngày có hiệu lực 08/09/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Vương quốc Anh
Người ký Phạm Gia Khiêm,William Hague
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 59/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010

 

Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh, ký tại London, ngày 08 tháng 9 năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2010./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

TUYÊN BỐ CHUNG

VỀ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT - ANH

Trên cơ sở quan hệ Việt - Anh phát triển nhanh chóng kể từ khi Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam và Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác vì sự phát triển nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới London tháng 3 năm 2008, hai bên đã quyết định nâng quan hệ lên tầm cao nhất - Quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới, khuyến khích tăng cường hơn nữa hợp tác và giao lưu giữa nhân dân và xã hội hai nước.

Quan hệ hai nước sẽ được xây dựng vững chắc dựa trên các giá trị chung như: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, cam kết tự do thương mại toàn cầu và sự phát triển bền vững với nền kinh tế ít phát thải các-bon, nhà nước pháp quyền, quyền con người, hợp tác đa phương, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trên thế giới.

Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện, đặc biệt là tăng cường hợp tác sâu rộng trong những lĩnh vực then chốt sau:

1. Hợp tác chính trị - ngoại giao:

Hai bên sẽ tăng cường gặp gỡ và đối thoại thường xuyên giữa Lãnh đạo hai nước, bao gồm cả những chuyến thăm chính thức song phương và các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực của Lãnh đạo và Bộ trưởng hai nước khi cần thiết. Hai bên sẽ tạo điều kiện thiết lập kênh trao đổi trực tiếp cấp cao trên các vấn đề quan trọng thông qua điện thoại hoặc truyền hình trực tuyến khi có yêu cầu. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng của Đại diện đặc biệt của nước Anh về Thương mại và Đầu tư, Công tước xứ York trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hai bên hoan nghênh việc tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và các chính đảng Anh, cũng như giữa các cơ quan của ĐCSVN với các cơ quan chính phủ, tổ chức hàn lâm và chính sách chiến lược của Anh.

Hai bên hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau, hợp tác trên các diễn đàn đa phương, xây dựng các dự án hợp tác với mục đích chia sẻ kinh nghiệm.

Hai bên sẽ nghiên cứu cách thức thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước, đặc biệt chú trọng việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và giáo dục, kể cả việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp và giáo dục - đào tạo.

Hai bên bày tỏ hài lòng về số lượng ngày càng tăng các cuộc đối thoại được thiết lập giữa chính phủ hai nước, cũng như với Liên minh Châu Âu (EU), trên các lĩnh vực: tham vấn chính trị và chính sách đối ngoại, đầu tư và thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục, vấn đề di cư, quyền con người.

Hai bên quyết định nhất trí tổ chức Đối thoại chiến lược hai năm một lần, luân phiên tại Hà Nội và London, nhằm trao đổi về quan hệ song phương, với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan khi cần thiết, được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc Quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao.

2. Các vấn đề toàn cầu và khu vực:

Xuất phát từ việc Việt Nam đảm nhận thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) và hiện giữ cương vị Chủ tịch ASEAN; nước Anh là Ủy viên thường trực HĐBA LHQ và là thành viên chủ chốt của EU, hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ, ASEM, ASEAN-EU, WTO, nhằm trao đổi quan điểm trong các lĩnh vực như: Biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế ít phát thải các-bon; Bảo tồn và bảo vệ môi trường; Tự do thương mại, Phát triển quốc tế, bao gồm việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; cải cách thể chế quốc tế, như chương trình “Một LHQ”; Ngăn chặn xung đột; Không phổ biến hạt nhân; Quyền con người.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ EU-ASEAN và hợp tác thúc đẩy ổn định chính trị và an ninh, phát triển kinh tế và xã hội tại mỗi khu vực.

Hai bên cam kết tổ chức các cuộc họp, trao đổi ý kiến thường xuyên tại thủ đô mỗi nước về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Các lĩnh vực trao đổi bao gồm việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường các thể chế đã được Hiến chương ASEAN xác lập, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người; thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua việc chia sẻ các kinh nghiệm tốt và hỗ trợ xây dựng năng lực.

3. Thương mại và Đầu tư:

Hai bên nhận thức rằng cam kết ủng hộ tự do thương mại và nền kinh tế mở đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm phát triển toàn cầu, giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - Anh vì lợi ích chung. Hai bên cam kết cùng hành động để cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, cụ thể là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB); cùng hợp tác hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn, dựa trên cơ sở tự do thương mại, không bảo hộ. Hai bên sẽ ủng hộ việc tăng cường và mở rộng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc sớm kết thúc vòng đàm phát Doha, đạt kết quả tạo thuận lợi cho phát triển.

Phía Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU. Với tinh thần đó, trên cơ sở cơ chế kinh tế thị trường ngày càng được củng cố tại Việt Nam, Anh cam kết ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường khi Việt Nam đáp ứng các tiêu chí của EU. Hai bên sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp và phương thức để Việt Nam và EU mở đàm phán Hiệp định Thương mại tự do phù hợp với quy định của WTO.

Hai bên đặc biệt quan tâm tạo điều kiện tăng cường quan hệ kinh doanh thương mại và đầu tư tại thị trường mỗi nước, trên cơ sở ổn định lâu dài và cùng có lợi. Về vấn đề này, Việt Nam hoan nghênh việc Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh quyết định Việt Nam là một Thị trường Tăng trưởng cao. Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, phù hợp với các quy định của WTO. Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ưu tiên và hoàn thành chương trình nghị sự cải cách chính sách thương mại. Về vấn đề này, Anh sẽ cung cấp các gói hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam khi cần thiết.

Hai bên tiếp tục khuyến khích đầu tư và thương mại vào thị trường mỗi nước.

Anh hoan nghênh ý định của Việt Nam mở rộng đầu tư và tăng cường xuất khẩu vào thị trường Anh, nhất là các mặt hàng giầy dép, dệt may, các sản phẩm đồ gỗ, nông nghiệp và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam khuyến khích tăng hơn nữa xuất khẩu của Anh vào thị trường Việt Nam. Anh sẽ nỗ lực củng cố vị trí là nhà đầu tư nước ngoài số một trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cũng như tăng cường thương mại và đầu tư của Anh vào thị trường Việt Nam trong các ngành chủ chốt như dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng, bất động sản, bán lẻ, viễn thông, công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cả trong hợp tác kinh doanh và hợp tác cấp chính phủ. Do đó, hai bên cam kết thúc đẩy các dự án trọng điểm; thường xuyên đối thoại nhằm xác định và đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, với sự tham gia của Lãnh đạo các công ty, cũng như các Bộ trưởng và quan chức cao cấp có liên quan. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành công nghiệp chiến lược như cơ sở hạ tầng, hàng không và năng lượng cũng như quốc phòng.

Hai bên nhận thức được tiềm năng của mô hình Đối tác Công - Tư (PPP) trong việc huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Anh đồng ý tài trợ cho các dự án nghiên cứu của Cơ quan Đối tác Anh để triển khai mô hình PPP tại Việt Nam; hình thành một nhóm các công ty Anh nhằm cung cấp kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực này. Sau khi ký Bản ghi nhớ về PPP vào đầu năm 2010, hai bên mong muốn Anh tham gia vào các dự án PPP thí điểm tại Việt Nam.

[...]