Tuyên bố chung số 11/2005/LPQT về quan hệ đối tác vì hợp tác phát triển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi về quan hệ đối tác vì hợp tác phát triển

Số hiệu 11/2005/LPQT
Ngày ban hành 04/01/2005
Ngày có hiệu lực 24/11/2004
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Nguyễn Hoàng Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 11/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2004 

 

Tuyên bố chung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi về quan hệ đối tác vì hợp tác phát triển có hiệu lực từ ngày 24 tháng 11 năm 2004./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Hoàng Anh

 

 

TUYÊN BỐ CHUNG

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NAM PHI VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC VÌ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN.

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Thabo Mvuyelwa Mbeki, Thủ Tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nam Phi từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 11 năm 2004.

1. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi (sau đây gọi là "hai Bên") đã xem xét tình hình phát triển của mỗi nước trong thời gian qua cũng như mối quan hệ giữa hai nước và nhận thấy rằng:

1.1. Sau gần hai thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thu được thành công trên nhiều lĩnh vực, bao gồm việc duy trì và củng cố ổn định chính trị - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành công trên đã tạo cơ sở cho Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;

1.2. Trong m­ười năm dân chủ hóa và tái thiết sau nhiều thập kỷ của chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai, Nam Phi đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Là một thành viên của Liên minh Châu Phi, Nam Phi đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các xung đột ở Châu Phi, đóng góp vào việc duy trì và củng cố hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.

1.3. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nam Phi đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22 tháng 12 năm 1993. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được tăng cường đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đóng góp vào sự nghiệp tái thiết và phát triển tại mỗi nước; và

1.4. Sáng kiến của Việt Nam về tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Châu Phi: những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI” vào tháng 5 năm 2003, đã tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Châu Phi thông qua sáng kiến đối tác mới vì sự phát triển của Châu Phi (NEPAD). Tuy nhiên, còn có rất nhiều cơ hội để tăng cường và củng cố hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Châu Phi theo hướng thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung và đóng góp vào hòa bình và ổn định tại mỗi khu vực và các nơi khác.

2. Hai Bên đã tuyên bố cam kết:

2.1. Hợp tác nhằm thiết lập quan hệ đối tác giữa hai Bên trên cơ sở những nguyên tắc của Hiến ch­ương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Việt Nam và Nam Phi cũng như tại Châu á, Châu Phi và trên thế giới;

2.2. Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi thông qua việc tăng cường hợp tác song ph­ương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm trao đổi đoàn cấp cao giữa các Bộ, ngành, địa ph­ương, doanh nghiệp của hai nước và thông qua tiếp xúc giữa nhân dân hai nước;

2.3. Tiến hành tham khảo ý kiến giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhằm tăng cường đối thoại và sự phối hợp về các vấn đề song ph­ương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề về an toàn, an ninh và quốc phòng;

2.4. Thúc đẩy quan hệ th­ương mại, đầu tư và kinh tế trên cơ sở cùng có lợi;

2.5. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khoa họe và kỹ thuật, giáo dục và đào tạo y tế phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực khác trong khuôn khổ hợp tác song ph­ương;

2.6. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hoa, nghệ thuật, du lịch và thể thao để nhân dân hai nước hiểu biết nhau hơn

2.7. Tăng cường trao đổi ý kiến và phối hợp với nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm tại Liên Hợp quốc và các diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Nam Phi ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Th­ương mại Thế giới (WTO). Việt Nam ủng hộ các nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác Nam - Nam và quan hệ á - Phi; và

2.8. Thành lập một "Diễn đàn đối tác Liên Chính phủ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi.

Diễn đàn đối tác nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác song ph­ương, đặc biệt, tuy không phải là chỉ có, trong các lĩnh vực kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa và để tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm.

3. Hai Bên nhất trí rằng việc ký bản Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác vì hợp tác và phát triển trong dịp Thủ Tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải thăm chính thức nước Cộng hòa Nam Phi đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi, đ­ưa mối quan hệ song ph­ương lên một tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình và ổn định tại mỗi khu vực và trên thế giới.

Ký tại Pretoria ngày 24 tháng 11 năm 2004 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau./.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA NAM PHI
TỔNG THÔNG NƯỚC
CỘNG HÒA NAM PHI
 



Thabo Mvuyelwa Mbeki

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 



Phan Văn Khải

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ