Dự thảo Thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 25/06/2020
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Đào Ngọc Dung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2020/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày    tháng   năm 2020

DỰ THẢO 1

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NGƯỜI CHƯA ĐỦ 15 TUỔI LÀM VIỆC

Căn cứ  Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trẻ em;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người chưa đủ 15 tuổi làm việc, trừ làm công việc nhà, làm công việc sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình mà không ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe, không gây nguy hiểm đối với người chưa đủ 15 tuổi.

2. Người sử dụng lao động.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, bao gồm cả cha, mẹ, người giám hộ, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế người chưa đủ 15 tuổi.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người chưa đủ 15 tuổi là người chưa bước vào ngày sinh nhật lần thứ 15.

Ví dụ sinh ngày 10/05/2005 đến ngày 09/05 năm 2020 là chưa đủ 15 tuổi

2. Người đủ 13 tuổi là người bước vào ngày sinh nhật lần thứ 13.

Ví dụ sinh ngày 10/05/ 2007 đến ngày 10/05/2020 là đủ 13 tuổi.

3. Người chưa đủ 13 tuổi là người chưa bước vào ngày sinh nhật lần thứ 13.

Ví dụ sinh ngày 10/05/ 2007 đến ngày 09/05/2020 là chưa đủ 13 tuổi.

4. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cha, mẹ, người giám hộ, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc cho gia đình trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ.

5. Làm việc là thực hiện các công việc tạo ra thu nhập, bao gồm cả học nghề, tập nghề, luyện tập của người chưa đủ 15 tuổi theo giao kết hợp đồng lao động hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

6. Nơi làm việc là địa điểm, không gian được trang bị các phương tiện vật chất kỹ thuật cần thiết để thực hiện công việc đã được xác định mà người chưa đủ 15 tuổi phải có mặt để thực hiện công việc theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc

1.  Người chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển về thể lực, học tập, phát triển trí lực, thẩm mỹ và nhân cách, tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí  phù hợp với lứa tuổi.

2. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp; phải lập sổ theo dõi riêng theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho người chưa đủ 15 tuổi về các mặt việc làm, môi trường làm việc, học văn hóa, học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; kỹ năng ứng phó với xâm hại tại nơi làm việc

[...]