Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; hình thức, nội dung điều kiện, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; thẩm quyền, hồ sơ thủ tục xét khen thưởng và công nhận danh hiệu thi đua do Bộ Nội vụ ban hành ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 10/05/2017
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Thị Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /2017/TT-BNV

Hà Nội, ngày    tháng 5 năm 2017

DỰ THẢO

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG; HÌNH THỨC,  NỘI DUNG ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA; THẨM QUYỀN, HỒ SƠ THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG VÀ CÔNG NHẬN DANH HIỆU THI ĐUA

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số     /2017/NĐ-CP ngày      tháng     năm 2017 của      Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 34 /2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương;

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư Hướng dẫn về nguyên tắc, hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua; thẩm quyền xét công nhận sáng kiến để làm căn cứ xét danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng.

Điều 1. Nguyên tắc khen thưởng

1. Chưa khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc cơ quan có thẩm quyền đang điều tra, kiểm tra và tập thể, cá nhân có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.

2. Ưu tiên khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể nhỏ, vùng sâu, vùng xa, địa phương đặc biệt khó khăn; cá nhân trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động, học tập, công tác; người dân tộc thiểu số và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, học tập, công tác.

3. Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng của thành tích để làm căn cứ xét khen thưởng và xét, công nhận danh hiệu thi đua do người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khen thưởng và trình khen thưởng đáng giá công nhận và chịu trách nhiệm.

4. Đối với tập thể có tổ chức Đảng, chỉ khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho tập thể đạt danh hiệu “Tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh”. Đối với tập thể không có tổ chức đảng, đoàn thể chỉ khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập thể có truyền thống đoàn kết nội bộ. Tập thể, cá nhân được xét, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng là tập thể, cá nhân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Không vi phạm khuyết điểm từ cảnh cáo trở lên.

5. Cá nhân được xét, khen thưởng quá trình cống hiến phải có thời gian công tác liên tục. Nếu thời gian công tác bị gián đoạn phải có lý do chính đáng và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

6. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi đề nghị xét khen thưởng cấp Nhà nước căn cứ vào thành tích đạt được và thành tích của các đơn vị trực thuộc để xem xét, đề nghị khen thưởng. Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, sau 10 năm tiếp theo trở lên có thành tích xuất sắc, nhân kỷ niệm năm chẵn, tròn thì được đề nghị xét, tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng nhất. Các tập thể khác 05 năm sau có thành tích xuất sắc và nhân kỷ niệm năm chẵn, tròn thì căn cứ mức độ thành tích và phạm vi ảnh hưởng để đề nghị khen thưởng ở mức phù hợp với quy định và phạm vi ảnh hưởng, hoàn cảnh lập được thành tích.

7. Thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân là 05 năm tiếp theo trở lên đối với “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hoặc 10 năm tiếp theo trở lên đối với “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công” (trừ khen thưởng cống hiến); thành tích được tính theo mốc thời gian thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Tập thể sau khi được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hoặc “Huân chương Quân công” sau 5 năm tiếp theo trở lên nếu đạt được thành tích theo quy định được đề nghị “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc”; thời gian xét tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hoặc “Huân chương Quân công” ở mức hạng cao hơn được tính từ thời điểm được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hoặc “Huân chương Quân công” trước đó.

Điều 2. Hình thức tổ chức phong trào thi đua

1. Thi đua theo chuyên đề tổ chức trong phạm vi bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, khi tiến hành sơ kết, tổng kết, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền. Trường hợp tổ chức trong phạm vi cả nước, khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua từ 03 năm trở lên, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen; từ 05 năm trở lên lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Chủ tịch nước xét tặng "Huân chương Lao động" hạng ba  hoặc "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng ba.

2. Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề có phạm vi trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi ngành và lĩnh vực thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có thời gian từ 03 năm trở lên, các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương gửi kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để tổng hợp và hướng dẫn xét khen thưởng.

Điều 3. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

1. Phong trào thi đua có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện; nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đề ra nội dung, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

2. Căn cứ vào nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua để xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tế và để làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng trong các kỳ sơ kết, tổng kết.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện chú trọng công tác chỉ đạo điểm, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay trong phong trào thi đua. Việc phát hiện điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua.

4. Chú trọng việc tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia và đảm bảo các điều kiện về tinh thần, vật chất cho tổ chức phong trào thi đua; đồng thời tăng cường kiểm tra theo dõi quá trình tổ chức thực hiện, phát hiện nhân tố mới, xây dựng điển hình tiên tiến, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm.

5. Tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, tác dụng, những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua; công khai lựa chọn, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Tổ chức tuyên truyền phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm để mọi người học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.

6. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức phát động, triển khai phong trào thi đua thực hiện theo Điều … và Điều …. Nghị định số …../2017/NĐ-CP của Chính phủ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua không ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức khác.

Điều 4. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”

1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” được xét tặng hàng năm vào dịp tổng kết năm; tiêu chuẩn thực hiện theo Điều 17 Nghị định số     /2017/NĐ-CP.

2. “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” là tập thể tiêu biểu, được lựa chọn trong số các tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” theo tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Luật thi đua, khen thưởng. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, căn cứ vào thực tiễn quy định, theo định hướng sau:

[...]