Thông tư liên tịch 80/2007/TTLT-BTC-BNN về chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 do Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 80/2007/TTLT-BTC-BNN
Ngày ban hành 11/07/2007
Ngày có hiệu lực 12/08/2007
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Đào Xuân Học
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 80/2007/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH  MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006-2010

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm  2020; 

Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;  

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, như sau:

 

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (viết tắt Chương trình NS&VSMTNT) giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình NS&VSMTNT, gồm: Vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn ODA), vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác;

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) bố trí chi ngân sách địa phương hàng năm, cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (bao gồm cả nguồn vốn ODA) cho Chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình.

3. Nguyên tắc đầu tư Chương trình NS&VSMTNT:

- Các vùng nông thôn trên phạm vi cả nước; trước mắt ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị khô hạn, khó khăn về nguồn nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm.

- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Việc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Các Bộ, ngành, UBND các cấp khi quyết định đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình công cộng phải bao gồm các công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; kinh phí ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình NS&VSMTNT không hỗ trợ đầu tư các công trình nêu trên.

4. Các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí Chương trình NS&VSMTNT đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; cuối năm hoặc kết thúc dự án phải thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành. 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi và mức chi của Chương trình NS&VSMTNT:

1.1  Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp:

a) Nội dung chi:

- Chi truyền thông vận động xã hội, bao gồm: đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương; báo và phương tiện thông tin khác; in ấn phổ biến tài liệu chuyên môn nghiệp vụ, tờ rơi, pa nô, áp phích, phim ảnh; chi khác (nếu có).

- Tập huấn nghiệp vụ: Chi tài liệu giáo trình cho lớp học; trả thù lao cho giảng viên dạy lý thuyết theo chế độ quy định; mua dụng cụ, vật tư thực hành (nếu có); chi quản lý lớp học: nước uống, thuê hội trường, xăng xe đi lại cho giảng viên và cán bộ tổ chức lớp; hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại cho học viên trong thời gian tập huấn theo quy định hiện hành;

- Chi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chương trình (nếu có): trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học đã thành công về các giải pháp, công nghệ về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình đưa ra các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua mô hình cụ thể phù hợp khả năng kinh tế của người dân và điều kiện của từng vùng;

- Chi thực hiện hệ thống giám sát đánh giá Chương trình NS&VSMTNT;

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh;

- Chi hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với trạm xá, trường học ở nông thôn (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông), chợ nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, môi trường đang bị ô nhiễm của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Mức hỗ trợ đầu tư của ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định tại tiết (1) điểm b khoản 1.2 Mục II của thông tư này.

[...]