Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGTVT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 68/2011/TTLT-BGTVT-BTC
Ngày ban hành 30/12/2011
Ngày có hiệu lực 15/02/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Hồng Trường,Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

LIÊN TỊCH BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2011/TTLT-BGTVT-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy chế của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Thông tư số 138/2010/TT-BTC ngày 17/9/2010 hướng dẫn phân phối lợi nhuận đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 807/TTg-ĐMDN ngày 17/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung hoạt động kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới vào danh mục B-Phụ lục danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích ban hành kèm theo Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; công văn 609/VPCP-KTTH ngày 26/01/2010 và công văn số 5872/VPCP-KTTH ngày 25/8/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc cơ chế tài chính và phân phối lợi nhuận của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Căn cứ đặc thù hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về cơ chế quản lý tài chính áp dụng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Các nguồn thu, chi kinh phí hành chính sự nghiệp mà Ngân sách Nhà nước giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam được quản lý, hạch toán, quyết toán riêng theo quy định của Luật Ngân sách, không áp dụng theo quy định của Thông tư này.

II. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN

Điều 2. Vốn hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Vốn hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm: Vốn do Nhà nước đầu tư tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, vốn do Cục Đăng kiểm Việt Nam huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Vốn do Nhà nước đầu tư tại Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm: Vốn do Nhà nước cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động; vốn được tiếp nhận từ các nơi khác chuyển đến theo quyết định của cấp có thẩm quyền; giá trị các khoản được viện trợ, biếu, tặng, tài sản vô chủ, tài sản dôi thừa khi kiểm kê được hạch toán tăng vốn Nhà nước; vốn được bổ sung từ phần lợi nhuận sau thuế; giá trị quyền sử dụng đất và các khoản khác được tính vào vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Vốn huy động của Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm: vốn vay của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của các cá nhân, tổ chức ngoài Cục Đăng kiểm Việt Nam; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Huy động vốn

1. Nguyên tắc huy động vốn:

a) Việc huy động vốn phải đảm bảo khả năng thanh toán nợ và có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

b) Việc vay vốn của cá nhân, tổ chức kinh tế: Cục Đăng kiểm Việt Nam phải ký hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định của pháp luật; Mức lãi suất vay tối đa không vượt quá mức lãi suất cho vay cùng thời hạn của ngân hàng thương mại nơi Cục Đăng kiểm Việt Nam mở tài khoản giao dịch tại thời điểm vay vốn; Trường hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam mở tài khoản giao dịch ở nhiều ngân hàng thì mức lãi suất huy động vốn trực tiếp tối đa không được vượt quá lãi suất cho vay cao nhất cùng thời hạn của ngân hàng thương mại mà Cục Đăng kiểm Việt Nam mở tài khoản giao dịch.

c) Việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý nợ nước ngoài.

d) Các đơn vị trực thuộc Cục không được phép huy động vốn.

2. Thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn:

a) Cục Đăng kiểm Việt Nam được chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi tổng số nợ phải trả không vượt quá Vốn chủ sở hữu ghi trên Báo cáo tài chính của Cục Đăng kiểm Việt Nam được công bố tại quý gần nhất tại thời điểm huy động vốn.

b) Trường hợp, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhu cầu huy động vốn vượt quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn có hiệu quả. Sau khi quyết định, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.

3. Bộ Giao thông vận tải giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Bảo toàn vốn tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

[...]