Thông tư 117/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu của Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 117/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 05/08/2010
Ngày có hiệu lực 01/07/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 117/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công ty mẹ của các Tập đoàn, Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi, phê duyệt điều lệ tổ chức hoạt động (sau đây gọi tắt là Công ty). Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng và kinh doanh xổ số.

Chương 2.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

MỤC I. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN TẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

Điều 2. Vốn điều lệ

Vốn điều lệ là mức vốn cần thiết được chủ sở hữu cam kết đầu tư để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty và được ghi trong Điều lệ công ty. Việc xác định vốn điều lệ công ty theo quy định sau đây:

1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại thời điểm chuyển đổi và thành lập mới:

1.1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại thời điểm chuyển đổi được xác định theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ và Thông tư số 79/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

1.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành lập mới:

Vốn điều lệ được xác định trong phương án thành lập công ty được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn điều lệ được xác định bằng 30% tổng mức vốn đầu tư để đảm bảo cho công ty hoạt động bình thường theo quy mô, công suất thiết kế.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang hoạt động có nhu cầu tăng vốn điều lệ: Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và nguồn bổ sung vốn điều lệ, chủ sở hữu phê duyệt tăng vốn điều lệ cho công ty; đối với công ty độc lập trực thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công ty mẹ trong Tập đoàn, Tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con, chủ sở hữu phê duyệt vốn điều lệ sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.1. Phương pháp xác định vốn điều lệ tăng thêm:

Căn cứ nhu cầu vốn phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, quy mô, chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Công ty xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình chủ sở hữu phê duyệt theo công thức:

Vđl điều chỉnh tăng thêm

=

Vđl được duyệt

+

30% tổng mức vốn đầu tư các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện trong năm báo cáo

2.2. Trình tự, thủ tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ:

a) Đối với các công ty có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ: Căn cứ vào số vốn điều lệ được duyệt, quy mô tình hình nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng thêm do chủ sở hữu giao, công ty lập hồ sơ báo cáo chủ sở hữu về mức vốn điều lệ mới.

Hồ sơ bao gồm:

- Phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ, trong đó giải trình:

+ Mức vốn điều lệ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mới do chủ sở hữu giao.

+ Nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ: Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải tự cân đối, bổ sung vốn điều lệ từ các nguồn: Lợi nhuận sau thuế được chia theo nguồn vốn nhà nước; Quỹ đầu tư phát triển; chênh lệch tiền thu từ việc bán bớt phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần; Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung; Các nguồn vốn bổ sung khác (nếu có).

- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của công ty đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất thời điểm điều chỉnh tăng vốn điều lệ.

- Báo cáo về trích lập và sử dụng các quỹ của năm tài chính trước liền kề của năm báo cáo của công ty (theo mẫu biểu phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này).

[...]