Thông tư liên tịch 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Văn hóa, thông tin - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC
Ngày ban hành 17/10/2003
Ngày có hiệu lực 17/11/2003
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Trần Chiến Thắng,Trương Chí Trung
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Sở hữu trí tuệ

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI CƠ QUAN HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Căn cứ Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28/10/1995;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự (dưới đây viết tắt là Nghị định số 76/CP);
Căn cứ Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (dưới đây viết tắt là Nghị định số 60/CP);
Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan (dưới đây viết tắt là Nghị định số 101/2001/NĐ-CP.
Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến quyền tác giả như sau:

I. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Một số từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. "Tác giả" là những người được quy định tại Điều 745 Bộ luật Dân sự.

2. "Chủ sở hữu tác phẩm" là những cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 746 Bộ luật Dân sự.

3. "Tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam" gồm các loại hình tác phẩm được bảo hộ quy định tại Điều 747 Bộ luật Dân sự, Điều 4 Nghị định số 76/CP; không có nội dung như quy định tại khoản 1 Điều 749 Bộ luật Dân sự và là một trong các tác phẩm sau:

3.1. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam;

3.2. Tác phẩm thuộc sở hữu của công dân, pháp nhân, tổ chức Việt Nam

3.3. Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;

3.4. Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam;

3.5. Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;

Các tác phẩm được bảo hộ phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện, chất lượng tác phẩm, đã công bố hoặc chưa công bố, đã được cấp hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả.

4. "Công bố, phổ biến tác phẩm" là thể hiện tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bầy, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức vật chất khác.

5. "Tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam" là tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài chưa được công bố, phổ biến ở bất kỳ nước nào trước khi được công bố, phổ biến tại Việt Nam.

Tác phẩm được coi là tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam khi tác phẩm đó được công bố, phổ biến ở Việt Nam trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày tác phẩm đó được công bố, phổ biến lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào.

6. "Tạm dừng làm thủ tục hải quan" là việc cơ quan hải quan tạm thời chưa làm thủ tục hải quan đối với lô hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi có nghi ngờ vi phạm quyền tác giả.

7. "Thông quan" là việc cơ quan hải quan quyết định hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu.

8. "Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm quyền tác giả" là những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, gồm những hàng hóa dưới đây:

8.1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các bản sao tác phẩm mà việc sản xuất và/hoặc lưu thông các bản sao tác phẩm không được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

8.2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các bản sao tác phẩm có nội dung vi phạm quyền tác giả.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC QUYỀN YÊU CẦU VÀ PHẠM VI YÊU CẦU BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI CƠ QUAN HẢI QUAN

1. Đối tượng được quyền yêu cầu bảo hội quyền tác giả tại cơ quan hải quan:

Các đối tượng sau đây được yêu cầu cơ quan hải quan bảo hộ quyền tác giả:

1.1 Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam;

1.2. Cá nhân, tổ chức được cấp phép sử dụng các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam;

1.3. Cá nhân, tổ chức có chức năng dịch vụ quyền tác giả được các đối tượng nêu tại điểm 1.1. và 1.2. Mục II Thông tư này ủy quyền;

[...]