Thông tư liên tịch 48/2008/TTLT-BTC-BNN sửa đổi Thông tư liên tịch 80/2007/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 48/2008/TTLT-BTC-BNN
Ngày ban hành 12/06/2008
Ngày có hiệu lực 12/07/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh,Đào Xuân Học
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 48/2008/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 80/2007/TTLT-BTC-BNN NGÀY 11/7/2007 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006-2010

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, như sau:

1. Bổ sung vào cuối khoản 2, Mục I như sau:

Ngoài các nội dung chi và mức chi quy định tại Thông tư này, tuỳ theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ thể, các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình.

2. Sửa đổi nội dung thứ 2, tiết a, điểm 1.1, khoản 1, Mục II, như sau:

- Tập huấn nghiệp vụ: Chi tài liệu giáo trình cho lớp học; trả thù lao cho giảng viên dạy lý thuyết theo chế độ quy định; mua dụng cụ, vật tư thực hành (nếu có); chi quản lý lớp học: nước uống, thuê hội trường, xăng xe đi lại cho giảng viên và cán bộ tổ chức lớp học; chi tiền công tác phí theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến; hỗ trợ tiền ăn) cho cán bộ, công chức, viên chức, học viên tham gia tập huấn. Cơ quan đơn vị chủ trì tập huấn cần thông báo rõ trong giấy triệu tập cho cơ quan, đơn vị cử người đi tham gia tập huấn biết, không thanh toán các khoản chi nêu trên.

3. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 4, tiết a, điểm 1.1, khoản 1, Mục II, chi thực hiện hệ thống giám sát, như sau:

- Chi thực hiện hệ thống giám sát đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (bao gồm cả chi phí lấy mẫu, phân tích chất lượng nước).

4. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 2, tiết b, điểm 1.1, khoản 1, Mục II về nội dung chi cụ thể cho một mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, như sau:

- Nội dung chi cụ thể cho một mô hình bao gồm:

+ Chi chọn điểm xây dựng dự án, phỏng vấn, xử lý lấy số liệu;

+ Chi phí cán bộ chỉ đạo kỹ thuật: Đối với cán bộ hợp đồng: mức tối đa là 2,5 lần mức lương tối thiểu/tháng (22 ngày) cho những ngày chỉ đạo trực tiếp mô hình; đối với công chức, viên chức Nhà nước được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định hiện hành;

+ Chi tuyên truyền vận động xã hội, hướng dẫn kỹ thuật cho dân;

+ Chi kiểm tra, nghiệm thu dự án;

+ Chi hỗ trợ một phần vật tư (sắt, thép, xi măng, gạch, cát...) cho người dân tham gia mô hình, nội dung chi này chiếm tối thiểu 80% tổng chi phí mô hình của một xã.

Mức hỗ trợ cho từng hộ gia đình trong mô hình cụ thể như sau: Đối với các hộ nghèo, các hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/hộ; đối với gia đình thuộc các vùng khác, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 800.000 đồng/hộ.

Các hộ gia đình đã được hỗ trợ cải thiện môi trường từ Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật, thì không được hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh của Chương trình.

Việc lựa chọn hộ và mức hỗ trợ cho từng hộ do UBND cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho UBND cấp dưới quyết định trên cơ sở đối tượng, thứ tự ưu tiên nhưng không vượt quá tổng mức hỗ trợ cho 01 xã.

5. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 4, tiết b, điểm 1.1, khoản 1, Mục II về nội dung chi mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, như sau:

- Nội dung chi cho mô hình theo nội dung chi cụ thể cho mô hình nhà tiêu vệ sinh tại điểm (4) trên đây.

+ Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các hộ nông dân tham gia mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tỷ lệ hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/hộ.

Các hộ gia đình đã được hỗ trợ cải thiện môi trường từ chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thì không được hỗ trợ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Chương trình.

Trường hợp có lắp đặt biogas thì được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/hộ.

Nếu một xã triển khai mô hình lồng ghép nội dung nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, thì mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho mô hình lồng ghép tối đa là 200 triệu đồng.

Việc lựa chọn danh sách hộ gia đình được hỗ trợ và mức hỗ trợ cho từng hộ gia đình do UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá tổng mức hỗ trợ cho 01 xã.

6. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 3 tiết a, điểm 1.2, khoản 1, Mục II về hỗ trợ xây dựng công trình cung cấp nước sạch, như sau:

- Chi hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, mở rộng công trình cung cấp nước sạch, kể cả công trình cấp nước cho trường học (nhà trẻ, mẫu giáo, trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông, trường dạy nghề ở nông thôn), trạm xá, chợ, công trình công cộng và trụ sở UBND xã ở vùng nông thôn; đồn biên phòng và cụm dân cư tuyến biên giới.

[...]