Thông tư liên tịch 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật do Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT |
Ngày ban hành | 28/12/2007 |
Ngày có hiệu lực | 25/01/2008 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An,Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Mạnh Hùng,Trần Đại Quang |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ
CÔNG AN - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2007 |
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9
thông qua ngày 29/6/2001;
Căn cứ điểm a khoản 4 Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ
“Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao
thông”;
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội; Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về việc đăng ký, quản
lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và
người tàn tật như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật (sau đây gọi chung là xe cơ giới dùng cho người tàn tật).
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký, quản lý và sử dụng xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Trường hợp điều ước quốc tế liên quan đến việc đăng ký, quản lý và sử dụng xe cơ giới dùng cho người tàn tật mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
1. Việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe dùng cho người tàn tật
1.1. Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật được nhập khẩu
Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
1.2. Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật được sản xuất lắp ráp, cải tạo trong nước
Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo xe cơ giới dùng cho người tàn tật phải được thực hiện tại các cơ sở sản xuất, lắp ráp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải theo đúng kiểu loại, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; sau đó, phải được kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
1.3. Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật tự cải tạo trước ngày 01/01/2008
Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật đã tự cải tạo trước ngày 01/01/2008 từ xe có nguồn gốc hợp pháp, phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; thời hạn kiểm tra xe tự cải tạo được thực hiện đến hết ngày 30/6/2008; từ ngày 01/7/2008 không giải quyết kiểm tra chất lượng đối với xe tự cải tạo.
2. Về đăng ký, cấp biển số xe dùng cho người tàn tật
Xe cơ giới dùng cho người tàn tật phải được đăng ký, cấp biển số theo quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2.1. Cơ quan đăng ký xe
Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công an cấp huyện) đăng ký xe cơ giới dùng cho người tàn tật đang cư trú tại huyện.
Đối với các địa phương chưa phân cấp công tác đăng ký mô tô, xe gắn máy cho Công an cấp huyện thì xe cơ giới dùng cho người tàn tật được đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Thủ tục, hồ sơ đăng ký xe dùng cho người tàn tật
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BCA(C11) ngày 02/01/2007 của Bộ Công an “Quy định về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” và hướng dẫn tại Thông tư này.
Riêng đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật tự cải tạo trước ngày 01/01/2008 thì hồ sơ đăng ký xe phải có thêm giấy chứng nhận xe bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường doo cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải cấp theo quy định tại điểm 1.3 Thông tư này.
3. Về điều kiện tham gia giao thông của người điều khiển xe cơ giới dùng cho người tàn tật
3.1. Người điều khiển xe cơ giới dùng cho người tàn tật (sau đây gọi tắt là người lái xe) phải đảm bảo độ tuổi, điều kiện sức khỏe theo quy định của Luật giao thông đường bộ và quy định của Bộ Y tế.
Người lái xe cơ giới phải có Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp và kết luận đủ điều kiện sức khỏe để điều khiển xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
3.2. Đối với người lái xe gắn máy dưới 50 cm3 phải am hiểu Luật Giao thông đường bộ.