Thông tư liên tịch 24/TT-LB năm 1990 bổ sung việc cấp phát và sử dụng kinh phí sắp xếp lại lao động từ ngân sách Nhà nước do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 24/TT-LB |
Ngày ban hành | 16/06/1990 |
Ngày có hiệu lực | 16/06/1990 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính |
Người ký | Lý Tài Luận,Nguyễn Thị Hằng |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán,Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước |
BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/TT-LB |
Hà Nội , ngày 16 tháng 6 năm 1990 |
Theo Nghị quyết số 186-HĐBT ngày 27-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư số 57-TC/NSNN của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, trong Ngân sách Nhà nước năm 1990, khoản chi về sắp xếp lại lao động đã được tính cân đối vào Ngân sách địa phương và giao cho địa phương quản lý và cấp phát.
Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn một số điểm về cấp phát và sử dụng kinh phí sắp xếp lại lao động theo Quyết định số 176-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng cho phù hợp với chế độ phân cấp quản lý ngân sách mới như sau:
I- MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG QUỸ SẮP XẾP LAO ĐỘNG THUỘC NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Ngoài các quy định đã hướng dẫn trước đây, điều kiện để được sử dụng quỹ đạo sắp xếp lao động trong Ngân sách địa phương là:
1- Phải tổng hợp được kết quả sắp xếp lại lao động gắn với việc sắp xếp lại sản xuất - kinh doanh của từng đợt trên địa bàn theo đúng quy định và lập đủ các biểu mẫu đã quy định đối với từng đơn vị kinh tế cơ sở, được Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố, đặc khu thông qua và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xét duyệt.
2- Quỹ sắp xếp lại lao động được sử dụng thống nhất trên địa bàn, không phân biệt đơn vị do trung ương hay địa phương quản lý. Các đơn vị thực hiện việc sắp xếp lại lao động theo Quyết định số 176-HĐBT phải bố trí được nguồn vốn để chi trả cho người lao động, ngân sách Nhà nước trợ giúp một phần đối với những đơn vị có nhiều khó khăn. Mức trợ giúp được lấy từ quỹ sắp xếp lại lao động của Ngân sách Nhà nước đã bố trí trong Ngân sách địa phương, tối đa không quá 50% số phải trợ cấp tính chung trên địa bàn. Đối với những tỉnh đặc biệt khó khăn (bị thiên tai, bão lụt liên miên; thuộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên...) tỉ lệ trợ giúp của Ngân sách có thể cao hơn. Mức cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh - xã hội và Bộ Tài chính xem xét, bảo đảm nguyên tắc phần trợ giúp từ Ngân sách Nhà nước tính bình quân toàn quốc không quá 50%.
3- Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố, đặc khu thông báo kết quả xét duyệt sắp xếp lại lao động của ban chỉ đạo Trung ương cho các đơn vị cơ sở, trong đó ghi rõ số lao động được giải quyết thôi việc hưởng trợ cấp một lần và tổng kinh phí hỗ trợ của Ngân sách.
1- Kinh phí chi hỗ trợ sắp xếp lại lao động do Ngân sách cấp, hạch toán vào chương 99, loại 13, hạng 1, mục 97 theo mục lục ngân sách hiện hành.
2- ở đơn vị kinh tế cơ sở:
- Khi nhận được kinh phí Ngân sách cấp phát, đơn vị hạch toán như sau:
Nợ TK 51 (Tiền gửi Ngân hàng)
Có TK 84 (84.1 Ngân sách cấp)
- Khi chi trả cho người lao động, hạch toán như sau:
Nợ TK 38 (chi bằng nguồn kinh phí)
Có TK 50 (Tiền mặt)
- Khi hoàn thành việc chi trả cho người lao động, đơn vị có trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính về việc sử dụng số kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Quyết toán khoản kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ được duyệt, hạch toán như sau:
Nợ TK 84 (84.1 Ngân sách cấp)
- Có TK 38 (Chi bằng nguồn kinh phí)
3- Việc quyết toán kinh phí sắp xếp lại lao động được quy định như sau:
a) Kinh phí lấy từ ngân sách địa phương, Sở Tài chính duyệt quyết toán đối với đơn vị (có sự tham gia của Sở Lao động - Thương binh và xã hội) và tổng hợp quyết toán với Bộ Tài chính khi kết thúc năm ngân sách cùng với việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch thu chi ngân sách của từng địa phương.
b) Kinh phí uỷ quyền cấp từ ngân sách Trung ương (nếu có), Sở Tài chính duyệt quyết toán chi đối với từng đơn vị và tổng hợp quyết toán với Bộ Tài chính theo từng đợt như quy định tại Thông tư số 49-TT/LB ngày 25-10-1989 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và xã hội.
c) Kinh phí hỗ trợ sắp xếp lại lao động cho các đơn vị của ngành có tính chất đặc thù, Bộ chủ quản quyết toán trực tiếp với Bộ Tài chính theo chế độ quy định.
1- Quỹ sắp xếp lại lao động được bố trí trong ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương) là quỹ có mục đích sử dụng để chi cho lao động được sắp xếp lại theo Quyết định số 176-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng không phân biệt do Trung ương hay địa phương quản lý. Quy trình xét duyệt của Ban chỉ đạo Trung ương được thực hiện như năm 1989.
2- Do tính khẩn trương của việc sắp xếp lại lao động, sau khi phương án được duyệt, trong thời gian chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo kết quả xét duyệt của Ban chỉ đạo Trung ương, Sở Tài chính phải bố trí ngân sách để đáp ứng cho yêu cầu này. Đối với ngân sách địa phương còn phải nhận trợ cấp ngân sách của Trung ương, Sở Tài chính báo cáo và làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để có biện pháp hỗ trợ (như trợ cấp theo mục đích nằm trong kế hoạch trợ cấp cân đối ngân sách bảo đảm có nguồn chi trả kịp thời cho người lao động). Trong quá trình thực hiện, nếu ngân sách địa phương bảo đảm chi sắp xếp lại lao động trên địa bàn theo đúng chế độ, đủ điều kiện quy định mà vượt quá kế hoạch đã được giao cả năm thì sẽ được ngân sách Trung ương xem xét và hỗ trợ thêm.