Thông tư liên tịch 236/TT-LN năm 1996 hướng dẫn công tác chia, tách tỉnh đối với Toà án nhân dân địa phương do Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 236/TT-LN
Ngày ban hành 22/11/1996
Ngày có hiệu lực 07/12/1996
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Dương Thị Thanh Mai,Nguyễn Văn Sản
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 236/TT-LN

Hà Nội , ngày 22 tháng 11 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 236/TT-LN NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHIA, TÁCH TỈNH ĐỐI VỚI TOÀ ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG.

Thi hành Nghị quyết của Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 12-11-1996 của bộ Chính trị và Chỉ thị số 857/TTg ngày 15-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc chia, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện công tác chia, tách tỉnh đối với Toà án nhân dân địa phương như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

Nhằm thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện chia, tách tỉnh, đảm bảo thống nhất về nội dung, biện pháp và các bước thực hiện đạt kết quả tốt.

Yêu cầu Toà án nhân dân các tỉnh cần làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và trong cán bộ, nhân viên, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, tương trợ lẫn nhau, chống lãng phí, chống mọi biểu hiện lệch lạc, cục bộ địa phương.

Các Toà án nhân dân tỉnh trong quá trình chia, tách tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao.

Công tác chia, tách tỉnh là nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt, tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, thận trọng nhằm đảm bảo hoạt động bình thường.

Về thời gian thực hiện chia tách tỉnh:

Theo Nghị quyết của Quốc hội thời gian phải thực hiện bàn giao, chia tách tỉnh trước ngày 1/3/1997. Tuy nhiên, nếu điều kiện cho phép các Toà án nhân dân tỉnh có thể tiến hành sớm, hoàn thành trước ngày 1/1/1997. Đơn vị chậm nhất cũng phải hoàn thành chia tách, bàn giao trước ngày 1/3/1997.

B. NỘI DUNG CÔNG TÁC THỰC HIỆN CHIA, TÁCH TỈNH ĐỐI VỚI TOÀ ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

I. VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ:

Cần quán triệt trong Đảng và cán bộ - nhân viên về việc sắp xếp lại tổ chức cán bộ. Trong quá trình chia, tách tỉnh phải bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đúng quy chế làm việc của cấp uỷ và các quy đinh về phân cấp quản lý cán bộ.

- Về tổ chức bộ máy của Toà án nhân dân tỉnh mới phải tuân theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân đã quy định. Tuy nhiên trước mắt do điều kiện cán bộ còn thiếu cần phải hình thành ngay Toà Dân sự, Toà Hình sự, và một số bộ phận giúp việc cần thiết khác để đảm bảo hoạt động bình thường. Các Toà và bộ phận khác có thể tạm thời kiêm nhiệm, sau đó từng bước kiện toàn.

- Về tuyển dụng cán bộ: Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Bộ Tư pháp phân bổ năm 1996, cần ưu tiên tuyển dụng cho tỉnh được chia tách. Trong khi chưa thành lập được Hội đồng thi tuyển công chức - viên chức, tạm thời hợp đồng sinh viên đã tốt nghiệp Đại học pháp lý và một số chức danh khác, sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định thì Chánh án Toà án nhân dân tỉnh mới ký hợp đồng.

- Về cán bộ: Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố cần tham khảo ý kiến, nguyện vọng của cán bộ - nhân viên trong cơ quan, chủ động lập danh sách dự kiến chia, tách, cần xem xét nhu cầu công tác và nguyện vọng cán bộ - nhân viên để điều chỉnh hợp lý (không nhất thiết quê ở đâu thì đưa về nơi đó). Sau khi thống nhất trong Ban cán sự Đảng, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ tỉnh uỷ, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh báo cáo trực tiếp với Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về nhân sự của Toà án tỉnh cũ và tỉnh mới tách. Đặc biệt lưu ý cán bộ chủ chốt: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, cần bố trí cân đối, tránh nơi quá nhiều nơi qua ít.

Đối với những trường hợp cán bộ - nhân viên có khuyết điểm chưa xử lý kỷ luật hoặc có đơn thư tố cáo chưa xác minh kết luận, thì Toà án nhân dân tỉnh cũ phải tiến hành xem xét kết luận và có hình thức xử lý trước khi bàn giao sang tỉnh mới.

Cần soát xét lại hồ sơ lý lịch cán bộ - nhân viên, phải hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ lý lịch cán bộ - nhân viên có xác nhận của thủ trưởng cơ quan trước khi bàn giao để tiện cho việc quản lý cán bộ - nhân viên và thực hiện các chế độ chính sách sau này.

Ban cán sự Đảng hiện tại cần dự kiến nhân sự Ban cán sự Đảng của toà án tỉnh cũ và mới trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định.

II. VỀ BÀN GIAO CÔNG TÁC XÉT XỬ, THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ MỘT SỐ MẶT CÔNG TÁC KHÁC:

1. Đối với công tác xét xử:

Những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, án kinh tế, tranh chấp về lao động, khiếu kiện hành chính kể cả sơ thẩm và phúc thẩm đã thụ lý đến trước ngày bàn giao tách tỉnh và kết thúc điều tra, có quyết định đưa ra xét xử thì do Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố cũ xét xử toàn bộ, không máy móc vụ án thuộc tỉnh nào thì bàn giao ngay cho Toà án tỉnh đó, làm như vậy sẽ dẫn đến ứ đọng án do khi tỉnh mới tách trước mắt chưa có phòng xét xử ngay, cần có thời gian nhất định để ổn định nơi làm việc, nơi ăn ở cho cán bộ, nhân viên.

Những vụ án dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính đã thụ lý nhưng tính đến ngày bàn giao còn đang điều tra (chưa kết thúc điều tra) thì bàn giao sang Toà án tỉnh mới tách giải quyết tiếp, theo quy định về thẩm quyền xét xử của pháp luật tố tụng.

2. Đối với công tác thi hành án phạt tù:

Tất cả các vụ án, vụ kiện đã có hiệu lực pháp luật tính đến ngày bàn giao tách tỉnh chưa đưa ra thi hành, hoặc đang tiến hành dở dang đều phải kiểm kê lập biên bản bàn giao theo địa hạt tỉnh mới tách. Các bị cáo có án tù giam chưa bắt đi thụ hình phải thống kê bàn giao cho tỉnh mới để theo dõi và thi hành tiếp, kể cả bàn giao hồ sơ vụ án đó để tiện theo dõi.

Tang tài vật, nhất là tiền, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ và các tài sản có giá trị khác phải được kiểm kê, ghi chép chính xác về chủng loại, số lượng, chất lượng, đặc điểm, thuộc vụ án nào, tránh bỏ sót, nhầm lẫm và làm hư hỏng, mất mát.

Cần lưu ý: Các tang tài vật là tiền, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ v.v... hiện đang gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng, nếu thuộc những vụ án phải bàn giao cho Toà án tỉnh mới thi hành tiếp thì lập biên bản để Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng nhà nước tỉnh cũ chuyển cho Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước tỉnh mới. Tuyệt đối không được lấy ra khỏi Kho bạc, Ngân hàng nếu chưa có Quyết định xử lý.

3. Về công tác báo cáo, thống kê:

[...]