Thông tư liên tịch 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN quy định chế độ quản lý tài chính đối với nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN
Ngày ban hành 16/09/2011
Ngày có hiệu lực 01/11/2011
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ,Bộ Tài chính
Người ký Trần Việt Thanh,Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC NHIỆM VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (sau đây viết tắt là Chương trình NCNSCL).

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình NCNSCL như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ quy định tại Mục III Điều 1 Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Mục III Điều 1 Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình NCNSCL

1. Ngân sách Trung ương cân đối kinh phí cho các nhiệm vụ của Chương trình NCNSCL do Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện; ngân sách địa phương cân đối kinh phí cho các nhiệm vụ của Chương trình NCNSCL do địa phương thực hiện.

Kinh phí do ngân sách nhà nước cân đối thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình NCNSCL được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài việc bố trí ngân sách hàng năm cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình NCNSCL, tùy theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với các dự án thuộc Chương trình NCNSCL để triển khai; chủ động bố trí ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình NCNSCL.

2. Nguồn kinh phí của doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình NCNSCL.

3. Kinh phí tài trợ, hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác (nếu có).

4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Chi cho hoạt động xây dựng, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT), chi phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất, nhập khẩu;

2. Chi thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử (website), chi xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động của Chương trình NCNSCL; chi xây dựng mô hình điểm nhằm quảng bá, tuyên truyền về năng suất, chất lượng; chi xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo trong nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá kết nối với hệ thống cảnh báo quốc tế; chi phổ biến, vận động xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước;

3. Chi đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn, đánh giá về năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi hội thảo cho các chuyên gia;

4. Chi hướng dẫn, đánh giá áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp;

[...]