Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Thông tư liên tịch 10-TT/LB 1996 thực hiện Quyết định 556/TTg về điều chỉnh Quyết định 327/CT về việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình 327 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 10-TT/LB
Ngày ban hành 11/12/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm,Nguyễn Quang Hà,Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

 
 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TT/LB

Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ  KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 10-TT/LB NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 556/TTG NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 327/CT NGÀY 15 THÁNG 09 NĂM 1992

Để thống nhất việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình 327 theo tinh thần, nội dung Quyết định số: 556/TTg ngày 12/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ "Về điều chỉnh, bổ sung Quyết định 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)" và Thông báo số 71/TB của Văn phòng Chính phủ ngày 16/9/1996 "kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương về thực hiện chương trình 327". Liên Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG THỨC VÀ MẬT ĐỘ TRỒNG RỪNG

1. Mục tiêu và đối tượng:

1.1. Tạo mới rừng phòng hộ và rừng đặc dụng: gồm hai nội dung là trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

- Về trồng rừng: Chương trình 327 lấy trồng rừng là nhiệm vụ trọng tâm, phải trồng tập trung dứt điểm, để tạo thành rừng phòng hộ liền vùng, liền khoảnh. Chủ dự án bố trí kế hoạch trồng rừng hàng năm, phải theo quy hoạch của dự án, trồng tiểu khu nào dứt điểm tiểu khu đó, không rải đều trên toàn diện tích của dự án.

Trồng rừng phòng hộ phải trồng hỗn loài tạo nhiều tầng tán, không được trồng thuần loại, đối với diện tích rừng đã trồng thuần cây phụ trợ (thuần cây kèo), đang còn thời kỳ chăm sóc thì năm 1997 trở đi lập kế hoạch trồng bổ sung cây bản địa gỗ lớn.

Đối với vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì chỉ trồng rừng ở khu phục hồi sinh thái với các loài cây bản địa tạo thành rừng trồng hỗn loài, hoặc vườn sưu tập thực vật phong phú.

- Về khoanh nuôi tái sinh rừng: Phải điều tra cụ thể, những nơi có điều kiện phục hồi, mật độ cây tái sinh trên 250 cây/ha thì chỉ cần khoanh nuôi bảo vệ giữ cho rừng tự tái sinh, nếu số cây tái sinh dưới 250 cây/ha cần phải trồng dặm cho đủ mật độ theo yêu cầu và bảo vệ thảm thực vật, như vậy mới xác định là đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng, nơi nào chưa có điều tra thiết kế cụ thể thì không đưa vào kế hoạch hàng năm vì sẽ tốn phí, không có hiệu quả.

1.2. Bảo vệ rừng: Nhiệm vụ bảo vệ rừng chủ yếu là chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, nhân dân, lực lượng vũ trang tại chỗ thực hiện, thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính, giáo dục, luật pháp, chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ ngành liên quan, nghiên cứu sớm trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách đối với khoán bảo vệ rừng lâu dài. Trước mắt chương trình 327 chỉ đầu tư bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vùng trọng điểm, những nơi đồng bào dân tộc ít người, còn tập quán chặt phá rừng làm nương rẫy, trước hết là các vùng xung yếu đầu nguồn các công trình lớn: thuỷ điện, thuỷ lợi, bảo vệ đê biển, chống cát bay.

2. Phương thức và mật độ trồng rừng:

Các dự án thuộc chương trình 327, chủ yếu phải thực hiện phương thức Lâm Nông kết hợp, giao đất khoán rừng cho hộ gia đình. Chỉ những vùng xa xôi không có khả năng đưa dân đến định cư, thì mới tổ chức thuê lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ, nhưng phải chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuỳ khả năng quỹ đất ở mỗi dự án mà giao cho hộ một diện tích thoả đáng, phải xác định rõ cơ cấu đất và rừng, khi giao cho từng hộ. Việc giao đất, khoán rừng tiến hành cùng một lúc và được giao lâu dài, trong đó bao gồm:

- Diện tích rừng bảo vệ.

- Diện tích để tạo rừng phòng hộ (trồng rừng mới và khoanh nuôi tái sinh).

- Diện tích đất nông nghiệp để trồng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày khoảng 1-2 ha/hộ.

- Đất ở và vườn hộ khoảng 0,5 ha/hộ.

Ngay từ năm đầu phải vận động và tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng tận dụng đất đai trồng cây ngắn ngày (ngô, đậu, lạc...) để có thu nhập tạo điều kiện ổn định, từng bước nâng cao cuộc sống, yên tâm sản xuất, thực hiện phương châm lấy lâm phát triển nông và lấy nông để giữ lâm lâu dài, tạo bền vững về sinh thái, môi trường kinh tế, phát huy tốt hiệu quả sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, tăng năng lực phòng hộ quốc gia.

Việc trồng rừng phòng hộ trên đất trống, đồi trọc, độ dốc lớn phải trồng rừng hỗn loài, với tập đoàn cây bản địa và cây phù trợ thích hợp tạo thành rừng nhiều tầng tán để có hiệu quả phòng hộ lâu dài, đối với vùng đất có độ dốc lớn, lượng mưa cao, xung yếu thì phải ưu tiên trồng trước để phát huy tác dụng phòng hộ nhanh.

Về mật độ và kết cấu cây trồng: Tuỳ điều kiện đất đai, địa hình, loài cây mà tỉnh quy định mật độ trồng cho phù hợp: Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn và vùng đồi núi trọc tập trung ở đồng bằng, trung du quy định chung khoảng 1600 cây/ha, trong đó khoảng 40% cây phòng hộ lâu dài: cây gỗ lớn bản địa, có tán che rậm, rễ sâu chu kỳ sinh trưởng dài, tuỳ điều kiện ở từng nơi có thể trồng xen một số cây ăn quả lâu năm, cây đặc sản như: nhãn, vải, xoài, bơ, mít, vú sữa, hồi... có tác dụng tương đương như cây gỗ lớn, được tính là cây bản địa, còn lại 60% cây phụ trợ (cây kinh tế) sinh trưởng nhanh, có tác dụng cải tạo đất, chống xói mòn tạo độ ẩm cho cây phòng hộ phát triển tốt hơn, tuỳ điều kiện cụ thể mà chọn các loài cây ăn quả, cây đặc sản, keo các loại... có thể lấy hoa, quả, dầu nhựa, gỗ... vừa là cây phụ trợ đồng thời kết hợp kinh tế tăng thu nhập cho hộ gia đình. Về mật độ và cơ cấu cây trồng quy định khung tối đa, các tỉnh tuỳ theo loài cây, đất đai... để xác định mật độ và cơ cấu cây trồng cho thích hợp, nhưng cây gỗ lớn bản địa kể cả cây ăn quả tối thiểu không dưới 400 cây/ha.

Đối với trồng rừng phòng hộ ven biển: Rừng ngập mặn, bảo vệ đê, chắn gió, chắn cát bay... tuỳ điều kiện và mục đích để xác định loài cây, coi trọng cây truyền thống với mật độ trồng thích hợp, theo quy đình của ngành lâm nghiệp.

Tóm lại để đạt được mục tiêu như trên trong quá trình tổ chức chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện và cơ sở phải quán triệt và thực hiện:

- Chuyển từ trồng rừng phân tán trong nhiều loại dự án, sang trồng rừng tập trung liền vùng trên cơ sở sắp xếp lại dự án lâm nông nghiệp.

- Chuyển từ trồng rừng phòng hộ thuần loại sang trồng rừng hỗn loài với tập đoàn cây bản địa kết hợp cây phụ trợ (kinh tế).

- Thực hiện phương thức lâm nông kết hợp một cách sáng tạo và khôn ngoan.

- Nhất thiết phải giao đất khoán rừng đến từng hộ gia đình, lấy hộ làm động lực phát triển.

II. SẮP XẾP CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 327

[...]