BỘ Y TẾ - BỘ
TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2014/TTLT-BYT-BTC
|
Hà Nội, ngày
26 tháng 02 năm 2014
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHI Y TẾ DỰ PHÒNG
Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội
về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng
chăm sóc sức khỏe nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Căn cứ Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của
Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự
nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh công lập;
Thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của
Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất
lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban
hành Thông tư liên tịch quy định nội dung, nhiệm vụ chi y tế dự phòng,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Thông tư này quy định nội dung, nhiệm vụ chi
y tế dự phòng từ nguồn ngân sách nhà nước chi sự nghiệp y tế, làm căn cứ để các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) xây dựng, phân
bổ hoặc trình cấp có thẩm quyền phân bổ ngân sách chi sự nghiệp y tế dành cho y
tế dự phòng.
b) Thông tư này không điều chỉnh đối với các nguồn
kinh phí sau:
- Nguồn vốn chi đầu tư phát triển;
- Nguồn ngân sách chi sự nghiệp y tế cho hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn ngân sách sự nghiệp khác của cơ sở y tế dự
phòng và cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng;
- Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán đối với
các nguồn kinh phí nêu tại điểm b, Khoản 1, Điều này thực hiện theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng là các cơ sở y tế dự phòng;
cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng quy định tại Điều
2 Thông tư này.
Điều 2. Cơ sở y tế dự phòng
và cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng.
1. Cơ sở y tế dự phòng và cơ quan, đơn vị có thực
hiện nhiệm vụ y tế dự phòng là cơ sở y tế thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ sau
đây:
a) Nghiên cứu, đào tạo và thực hiện chỉ đạo tuyến
về dịch tễ học, vi sinh y học, miễn dịch học và sinh học phân tử;
b) Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
c) Phòng, chống bệnh xã hội;
d) Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng
đồng;
đ) Quản lý sức khoẻ trường học, dinh dưỡng cộng
đồng, y học lao động và vệ sinh môi trường;
e) Kiểm nghiệm, kiểm định vắc xin, sinh phẩm y tế
và thực phẩm.
2. Danh mục các cơ sở y tế dự phòng và cơ quan,
đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện theo
quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ quy định tại Khoản 1 và Khoản
2 Điều này và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để xem xét, quyết định các cơ
sở y tế dự phòng và cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng thuộc
thẩm quyền quản lý.
Điều 3. Nội dung, nhiệm vụ
chi thường xuyên về y tế dự phòng
Các khoản chi hoạt động thường xuyên do ngân
sách nhà nước bảo đảm sau đây của cơ sở y tế dự phòng và cơ quan, đơn vị có thực
hiện nhiệm vụ y tế dự phòng được tính là nội dung, nhiệm vụ chi y tế dự phòng.
1. Chi tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và
các khoản đóng góp theo chế độ (sau đây viết tắt là chi cho con người).
a) Đối với các cơ sở y tế dự phòng: tiền lương
theo ngạch bậc và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; tiền lương theo hợp đồng
lao động; các khoản phụ cấp theo quy định; các khoản đóng góp theo chế độ, bao
gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn đối
với người lao động trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền
phê duyệt theo pháp luật về công chức, viên chức.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm
vụ y tế dự phòng: khoản chi cho con người theo quy định tại điểm a Khoản này được
tính cho số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng do thủ trưởng
đơn vị quyết định trong phạm vi số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền
phê duyệt (không bao gồm số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ quản lý;
khám bệnh, chữa bệnh và các nhiệm vụ khác).
Ví dụ: đối với các Trung tâm y tế huyện nơi chưa
tách riêng bệnh viện, số lượng người làm nhiệm vụ y tế dự phòng được tính trên
cơ sở số lượng người làm việc của Đội hoặc Khoa y tế dự phòng; của Đội hoặc
Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản và các khoa, phòng, bộ phận khác làm nhiệm vụ y
tế dự phòng theo cơ cấu tổ chức được cấp có thẩm quyền quyết định.
c) Khoản chi cho con người được điều chỉnh trong
trường hợp đơn vị được cấp có thẩm quyền điều chỉnh số lượng người làm việc;
Nhà nước điều chỉnh chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng
góp theo quy định.
2. Chi vận hành và hành
chính bảo đảm hoạt động thường xuyên
a) Chi phúc lợi tập thể theo chế độ quy định; tiền
thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng
và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; các khoản thanh toán khác cho cá nhân
theo chế độ hiện hành.
b) Chi vận hành và bảo đảm hoạt động thường
xuyên của cơ sở y tế dự phòng như: Chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn
phòng; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; hội nghị, tập huấn; công tác phí;
đoàn ra, đoàn vào; chi phí thuê mướn; vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế,
chất thải sinh hoạt.
c) Chi sửa chữa, kiểm định, kiểm chuẩn các trang
thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.
d) Chi trang bị mới hoặc thay thế trang thiết bị
văn phòng cho công chức, viên chức theo danh mục và tiêu chuẩn quy định tại Quyết
định số 170/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết
bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
đ) Chi thường xuyên khác để bảo đảm hoạt động của
cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành của Nhà nước như: chi bảo hiểm tài sản
và phương tiện, chi tiếp khách, chi hỗ trợ công tác đảng và các khoản chi khác
theo chế độ, theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Chi thực hiện các nhiệm vụ
chuyên môn của cơ sở y tế dự phòng, của cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ y tế
dự phòng.
a) Chi cho các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh
thường xuyên, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm trong phạm vi địa bàn đơn
vị được giao phụ trách, gồm:
- Chi cho các hoạt động phục vụ công tác giám
sát: giám sát thường xuyên; giám sát trọng điểm; giám sát các trường hợp mắc bệnh,
bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, trung
gian truyền bệnh; giám sát nguy cơ dịch bệnh; giám sát các bệnh không lây nhiễm
và yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm;
- Chi cho các hoạt động phục vụ công tác điều
tra, xác minh tác nhân gây dịch, xác minh ổ dịch, bao gồm cả chi phụ cấp chống
dịch theo quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 3 của Quyết
định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về
việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người
lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (sau đây viết
tắt là Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg); tổng hợp,
phân tích, dự báo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm;
- Chi thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch,
xử lý ổ dịch, xử lý môi trường để cắt đứt các nguồn lây tại khu vực nơi có bệnh
nhân hoặc ổ dịch truyền nhiễm;
- Chi mua trang thiết bị, sửa chữa các trang thiết
bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống bệnh không lây nhiễm
và bệnh tật học đường;
- Chi mua và tiêm vắc xin, sinh phẩm y tế cho
các đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 28 Luật phòng, chống bệnh
truyền nhiễm;
- Chi bảo đảm các biện pháp bảo vệ cá nhân cho
các đối tượng theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 Luật phòng, chống
bệnh truyền nhiễm;
- Chi mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế để
xét nghiệm hoặc thuê xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm phục vụ công tác giám sát,
phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm;
b) Chi cho công tác thông tin, giáo dục, truyền
thông về: phòng, chống dịch, bệnh; nước sạch, vệ sinh môi trường; dinh dưỡng cộng
đồng; an toàn vệ sinh thực phẩm; sức khỏe môi trường; sức khỏe trường học;
phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, bệnh không lây nhiễm để
nâng cao ý thức, nhận thức thay đổi hành vi của người dân về các biện pháp
phòng, chống dịch, bệnh, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe, gồm:
- Viết, biên soạn, in ấn tài liệu truyền thông,
phim, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; pa nô, áp phích
phù hợp với từng mục tiêu tuyên truyền;
- Truyền thông trực tiếp thông qua các cuộc mít
tinh, diễu hành, các buổi nói chuyện đến người dân, đến đối tượng có nguy cơ
lây nhiễm, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, mắc dịch, bệnh truyền
nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh tật học đường;
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu theo các lĩnh vực
chuyên môn y tế dự phòng.
c) Chi chỉ đạo tuyến về: y tế dự phòng, chăm sóc
sức khỏe sinh sản, an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyển giao kỹ thuật để nâng cao
năng lực chuyên môn cho tuyến dưới; chuẩn hóa các phòng xét nghiệm theo tiêu
chuẩn do Bộ Y tế ban hành; hỗ trợ đơn vị tuyến dưới thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh tật học đường.
d) Chi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật,
tập huấn thường xuyên, đột xuất để nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật các
kiến thức về lĩnh vực y tế dự phòng cho cán bộ y tế dự phòng theo chuyên khoa
và các cán bộ khác.
đ) Chi các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở
gắn với nhiệm vụ y tế dự phòng được giao.
e) Chi các hoạt động kiểm tra, giám sát về: vệ
sinh an toàn thực phẩm; chất lượng nước sạch, khám sức khỏe định kỳ cho người
lao động theo quy định của Luật phòng, chống bệnh
truyền nhiễm; môi trường y tế; điều kiện vệ sinh trường học; các biện pháp
xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khoẻ người dân như chất
thải bệnh viện; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực
gia dụng và y tế.
g) Chi thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế biên
giới tại các cửa khẩu; thông tin, báo cáo tình hình bệnh truyền nhiễm đặc biệt
nguy hiểm trên thế giới để chủ động các biện pháp phòng, chống.
h) Chi hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai
thực hiện:
- Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe
nhân dân;
- Chiến lược dinh dưỡng quốc gia;
- Các biện pháp phòng, chống bệnh tật, bệnh dịch
tại cộng đồng, các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;
- Các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp;
- Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho
người dân tại cộng đồng;
i) Chi phí cho việc bảo quản, lưu giữ, sử dụng,
nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy mẫu bệnh phẩm liên quan đến các tác nhân gây bệnh.
k) Chi hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn
đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
l) Chi xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; quy
trình kỹ thuật, chuyên môn y tế dự phòng để trình cấp có thẩm quyền ban hành
theo quy định.
m) Chi mua mẫu, vận chuyển mẫu, xét nghiệm phục
vụ công tác kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.
n) Chi mua bổ sung, thay thế dụng cụ, trang thiết
bị phục vụ công tác chuyên môn:
- Đối với các cơ sở y tế dự phòng: danh mục và số
lượng trang thiết bị, dụng cụ quy định tại Quyết định số 4696/QĐ-BYT ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Bộ Y tế
ban hành Chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và các văn bản quy định khác của Bộ Y tế;
Trường hợp cơ sở y tế có thực hiện nhiệm vụ tiêm
chủng: Danh mục trang thiết bị sử dụng, bảo quản vắc xin và sinh phẩm y tế theo
quy định tại Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT
ngày 7 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định về sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị;
- Đối với các đơn vị có thực hiện nhiệm vụ xét
nghiệm vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người: danh mục trang
thiết bị, dụng cụ quy định tại Nghị định số 92/2010/NĐ-CP
ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm
an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định;
- Các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV, phòng xét
nghiệm khẳng định HIV và phòng tham chiếu quốc gia về xét nghiệm HIV: danh mục
trang thiết bị, dụng cụ quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BYT
ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế hướng dẫn bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ
thuật xét nghiệm HIV.
q) Chi mua thuốc, vật tư, thực hiện các biện
pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm một số dịch, bệnh theo quyết
định của cấp có thẩm quyền.
Ngoài các nội dung, nhiệm vụ chi nêu trên, cơ
quan quản lý nhà nước về y tế thuộc các Bộ, ngành trung ương, Sở Y tế căn cứ
vào tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương để bổ sung các nội dung, nhiệm vụ
chuyên môn về y tế dự phòng cho phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương.
4. Trường hợp đơn vị có tổ chức thu phí, lệ phí:
Chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên của bộ phận làm nhiệm vụ thu phí, lệ phí
thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về phí, lệ phí. Trường hợp nguồn
thu phí, lệ phí không đảm bảo đủ hoạt động thường xuyên của bộ phận thu phí, lệ
phí thì được ngân sách nhà nước bảo đảm phần còn thiếu theo đúng các chế độ, định
mức chi tiêu hiện hành.
Điều 4. Nội dung, nhiệm vụ
chi không thường xuyên về y tế dự phòng
1. Chi phòng, chống dịch khi cấp có thẩm quyền
công bố dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật
phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn Luật:
a) Chi cho các hoạt động phòng, chống dịch quy định
tại điểm a Khoản 3 Điều 3 Thông tư này;
b) Chi thực hiện các chế độ đối với người tham
gia chống dịch, người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền
nhiễm và người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
c) Chi hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các
cấp;
d) Chi bồi dưỡng cho cộng tác viên, tình nguyện
viên tham gia chống dịch nhóm A theo quy định tại Khoản 3 Điều
3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg;
đ) Các khoản chi khác theo quyết định của cấp có
thẩm quyền.
2. Chi thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng,
nâng cấp, sửa chữa lớn nhà cửa, cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị các
phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định theo các dự án được cấp có thẩm quyền
phê duyệt sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
3. Chi thực hiện các chương trình, dự án có tính
chất y tế dự phòng theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Chi thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc
gia trong lĩnh vực y tế dự phòng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho từng
thời kỳ.
Danh mục dự án, nội dung, nhiệm vụ chi của từng
dự án thành phần theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho từng thời kỳ và hướng
dẫn của Bộ Tài chính - Bộ Y tế đối với từng Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Điều 5. Mức chi để làm căn cứ
lập dự toán, xây dựng và ban hành định mức phân bổ ngân sách cho các cơ sở y tế
dự phòng
Mức chi để làm căn cứ lập dự toán, xây dựng và
ban hành định mức phân bổ ngân sách y tế dự phòng; lập, phân bổ dự toán ngân
sách cho các cơ sở y tế dự phòng, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng được
thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, được áp dụng một
số nội dung, mức chi tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Quy định về lập,
phân bổ, chấp hành và quyết toán
1. Lập dự toán: hàng năm, cơ sở y tế dự phòng,
cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng quy định tại Điều
2 Thông tư này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, địa
bàn được phân công phụ trách và các quy định tại Thông tư này để xây dựng kế hoạch
hoạt động chuyên môn và dự toán chi ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết
định; trong đó:
a) Dự toán chi cho con người theo quy định tại Khoản 1 Điều 3; dự toán chi các hoạt động thường xuyên để thực
hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại các Khoản
2, 3, 4 Điều 3; dự toán chi không thường xuyên theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;
b) Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực
hiện các dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia: căn cứ vào
quy định của Bộ Tài chính, Bộ Y tế về nội dung, mức chi của từng chương trình mục
tiêu quốc gia để xây dựng dự toán theo từng dự án thành phần thuộc chương
trình.
2. Phân bổ, giao dự toán và quyết toán:
a) Khoản kinh phí chi cho các nội dung quy định
tại Điều 3 của Thông tư này là kinh phí thường xuyên được
giao cho các cơ sở y tế dự phòng, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng quản
lý và sử dụng theo các quy định hiện hành về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm
về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Khoản kinh phí chi cho các nội dung quy định
tại Điều 4 của Thông tư này là kinh phí không thường xuyên,
kinh phí không thực hiện tự chủ. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử
dụng và quyết toán theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành của Nhà
nước; được tính và phân bổ ngoài định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên
cho các cơ quan, đơn vị;
c) Hàng năm, trong phương án phân bổ dự toán
ngân sách sự nghiệp y tế được giao:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ thống nhất với Bộ Tài chính cân đối và dành một khoản kinh phí cho cơ quan,
đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng chủ động cho công tác phòng chống dịch trong
trường hợp dịch xảy ra;
- Sở Y tế thống nhất với Sở Tài chính báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh dành một khoản kinh phí
nhất định và giao cho đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng tuyến tỉnh quản lý để
chủ động phòng, chống bệnh dịch khi dịch xẩy ra.
d) Việc hạch toán, quyết toán nguồn kinh phí từ
ngân sách nhà nước chi cho các nhiệm vụ y tế dự phòng theo quy định tại Thông
tư này được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Xây dựng và ban hành định mức phân bổ ngân
sách y tế dự phòng:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng và ban hành định mức phân bổ ngân sách phù hợp
với từng loại cơ sở y tế dự phòng thuộc trung ương quản lý đối với các khoản
chi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Thông tư này;
b) Sở Y tế xây dựng, báo cáo Sở Tài chính thẩm định,
trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành định mức phân bổ
ngân sách phù hợp với từng loại cơ sở y tế dự phòng quy định tại Phụ lục 1 ban
hành kèm theo Thông tư này thuộc địa phương quản lý đối với các khoản chi quy định
tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3.
2. Bộ Tài chính và Bộ Y tế có trách nhiệm báo
cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo đảm ngân sách cho các nội dung, nhiệm
vụ chi y tế dự phòng quy định tại Thông tư này và Khoản 1 Điều
25 của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bảo đảm
ngân sách địa phương để thực hiện: các nhiệm vụ chi quy định tại Điều
3, Điều 4 Thông tư này cho các cơ sở y tế dự phòng và các cơ quan, đơn vị
thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng thuộc địa phương quản lý; các nhiệm vụ chi do
ngân sách địa phương bảo đảm cho các chương trình, dự án có tính chất y tế dự
phòng, các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong lĩnh vực y tế dự phòng theo quyết
định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, định
kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để tổng hợp báo
cáo Chính phủ, Quốc hội.
Điều 8. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư
này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc
sửa đổi, bổ sung đó.
Điều 9. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 4 năm 2014.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các đơn vị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Minh
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Long
|
Nơi nhận :
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,
- Cổng TTĐT các Bộ: Y tế, Tài chính;
- Sở Y tế, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài
chính;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Lưu VT, PC: Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
|
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CƠ SỞ Y TẾ DỰ PHÒNG, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ Y TẾ DỰ PHÒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 26 tháng 02
năm 2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính)
I. CƠ SỞ Y TẾ DỰ PHÒNG TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ,
CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ:
1. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương;
2. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh;
3. Viện Pasteur Nha Trang;
4. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên;
5. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng
trung ương;
6. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy
Nhơn;
7. Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố
Hồ Chí Minh;
8. Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh;
9. Viện Dinh dưỡng;
10. Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường;
11. Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm
y tế;
12. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm
Quốc gia;
13. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe
trung ương;
14. Cơ sở y tế dự phòng khác theo quyết định của
cấp có thẩm quyền.
II. CƠ SỞ Y TẾ DỰ PHÒNG THUỘC ĐỊA PHƯƠNG QUẢN
LÝ:
1. Trung tâm Y tế dự phòng;
2. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS;
3. Trung tâm Phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng
côn trùng;
4. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế;
5. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường;
6. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe;
7. Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trung tâm y tế huyện) nơi đã tách bệnh viện,
trung tâm chỉ thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng;
8. Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt
là trạm y tế xã);
9. Đối với Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội,
trung tâm phòng chống Lao, Trung tâm Mắt, Trung tâm Nội tiết và các trung tâm,
trạm chuyên khoa tuyến tỉnh khác theo đặc thù của từng địa phương: Sở Y tế căn
cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét quyết định là cơ sở y tế dự phòng thuộc địa phương quản lý.
III. CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ Y
TẾ DỰ PHÒNG:
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
2. Trung tâm y tế huyện nơi chưa tách riêng bệnh
viện, thực hiện cả chức năng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng;
3. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm được giao
nhiệm vụ kiểm nghiệm an toàn vệ thực phẩm;
4. Trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm được
giao nhiệm vụ kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm;
5. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản;
6. Các cơ quan, đơn vị khác được giao nhiệm vụ
và phân bổ ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh;
PHỤ LỤC 2
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CHI ĐẶC THÙ VÀ ÁP DỤNG MỘT SỐ
NỘI DUNG, MỨC CHI VỀ Y TẾ DỰ PHÒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 26 tháng
02 năm 2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính)
1. Chi viết, biên soạn, dịch tài liệu (kể cả tài
liệu truyền thông bằng tiếng dân tộc), xây dựng chương trình, giáo trình, mở
các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ
chuyên môn:
a) Chi viết và biên soạn tài liệu thông thường:75.000
đồng/trang chuẩn 350 từ.
b) Xây dựng tài liệu, chương trình, giáo trình
cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo: Nội dung và mức chi áp dụng đối với
trường hợp xây dựng chương trình môn học, giáo trình cho các ngành đào tạo
trung cấp chuyên nghiệp quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC
ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương
trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành
đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
c) Dịch và hiệu đính tài liệu (bao gồm cả tiếng
dân tộc): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính
quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam,
chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp
khách trong nước.
2. Chi mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cập
nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn theo kế hoạch được các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt đối với đơn vị thuộc trung ương quản
lý, được Sở Y tế phê duyệt đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý: Nội dung và
mức chi theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC
ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng
kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức.
Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở
lớp đào tạo, bồi dưỡng có đối tượng là tình nguyện viên, nhân viên tiếp cận cộng
đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được chi một số nội dung sau:
- Chi phí đi lại từ nơi cư trú đến nơi học tập (một
lượt đi và về).
- Chi hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ (trường hợp cơ sở
đào tạo không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho học viên mà phải đi thuê).
- Hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền giải khát giữa
giờ.
Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính
quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các
cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC)
3. Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phòng,
chống dịch; mít tinh, diễu hành, phát động các phong trào về phòng, chống bệnh
dịch, vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Nội dung và mức chi theo quy
định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
4. Chi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm phục vụ công
tác phòng, chống dịch: Trường hợp đơn vị không tự thực hiện được thì được áp dụng
theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; mức thu phí y tế dự phòng áp dụng đối với
các cơ sở y tế dự phòng theo quy định hiện hành.
5. Chi vận chuyển mẫu từ nơi lấy mẫu về cơ sở thực
hiện xét nghiệm để phục vụ hoạt động chuyên môn, chi phí vận chuyển để hủy mẫu
bệnh phẩm. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc phân vùng chuyển mẫu.
a) Trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện vận
chuyển đường bộ: mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới
hành chính và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Nếu có nhiều hơn một mẫu bệnh
phẩm cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán cũng chỉ được
tính như đối với vận chuyển một mẫu.
b) Trường hợp vận chuyển theo đường bưu điện: mức
hỗ trợ theo giá cước dịch vụ bưu chính hiện hành.
c) Trường hợp vận chuyển tại các địa bàn đi lại
khó khăn (vùng núi cao, biên giới, hải đảo): thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định
mức thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi dự toán được giao.
d) Chi phí hủy mẫu bệnh phẩm, sinh phẩm, vật tư
hoá chất hết hạn sử dụng. Mức chi theo hợp đồng và căn cứ hoá đơn, chứng từ chi
tiêu hợp pháp.
6. Điều tra, thống kê tình hình bệnh dịch theo quyết
định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông
tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ
Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc
điều tra thống kê.
7. Chi nghiên cứu khoa học về các biện pháp, giải
pháp phòng, chống bệnh dịch theo đề cương nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê
duyệt: Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về xây dựng và phân bổ dự
toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân
sách nhà nước.
8. Chi thuê mướn chuyên gia trong nước để thực
hiện các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ công tác y tế dự phòng: Căn cứ vào mức độ
cần thiết triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh và dự toán ngân sách
được giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc thuê chuyên gia trong nước
theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm". Mức chi
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC
ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho
các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và Thông
tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ
Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC.
9. Chi phụ cấp cho Ban chỉ đạo, người tham gia
chống dịch: thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng
Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức,
người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
10. Chi kiểm tra, giám sát đánh giá công tác y tế
dự phòng: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính
hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm
tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
Đối với đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá liên
ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến
công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê
chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành
viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác
thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người
đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.