Thông tư liên tịch 07-TM/TCHQ năm 1996 điều chỉnh Thông tư liên Bộ 01 TM/TCHQ về việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu hàng hóa từng chuyến do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 07-TM/TCHQ
Ngày ban hành 13/04/1996
Ngày có hiệu lực 28/04/1996
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại,Tổng cục Hải quan
Người ký Bùi Duy Bảo,Tạ Cả
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TM/TCHQ

Hà Nội , ngày 13 tháng 4 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CB THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 07 TM/TCHQ NGÀY 13 THÁNG 4 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH VÀ BỔ SUNG THÔNG TƯ LIÊN BỘ THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 01 TM/TCHQ NGÀY 20.1.1996

Ngày 20.1.1996, Liên Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư 01 TM/TCHQ hướng dẫn thực hiện Nghị định 89/CP ngày 15.12.1995 của Chính phủ về việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá từng chuyến. Qua thời gian thực hiện đã nẩy sinh một số vướng mắc. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan thống nhất điều chỉnh và bổ sung như sau:

1. Về gia công cho người nước ngoài:

Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Thương mại. Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền cấp giấy phép và gia hạn cho cả hợp đồng và các phụ lục hợp đồng (Annexes), trong đó ghi rõ số lượng, trị giá hàng được nhập / xuất. Hợp đồng gia công trình Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền phải có định mức tiêu hao nguyên phụ liệu cho mỗi đơn vị sản phẩm và Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác định định mức tiêu hao nguyên phụ liệu.

Bộ Thương mại khi xét cấp văn bản sẽ đóng dấu lên tất cả các trang của hợp đồng/ Annexes.

2. Về nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu:

Bỏ đoạn ghi "bao gồm cả loại hình nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu" của điểm 2.3 Thông tư liên Bộ 01 TM/TCHQ ngày 20/1/1996.

Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng phù hợp thì được nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu theo quy định hiện hành để sản xuất hàng xuất khẩu. Số lượng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu phải phù hợp với định mức tiêu hao nguyên phụ liệu. Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác định định mức tiêu hao nguyên phụ liệu và việc xác định loại hình xuất nhập khẩu này. Trường hợp doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc đã có nhưng không có ngành phù hợp thì mới phải xin phép Bộ Thương mại.

3. Đối với lô hàng mà doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài bị khách hàng nước ngoài trả lại hoặc những lô hàng doanh nghiệp Việt Nam đã nhập từ nước ngoài vào Việt Nam trả lại cho khách hàng nước ngoài do hàng hoá không phù hợp quy định của hợp đồng thương mại, nếu không có dấu hiệu của việc móc ngoặc để buôn lậu, gian lận thương mại hoặc trốn thuế thì việc trả lại này phù hợp với thông lệ và tập quán buôn bán quốc tế và được xử lý như sau:

- Bộ Thương mại giải quyết đối với các mặt hàng gạo, đường, xăng dầu, thép, xi măng, phân bón, ô tô (trước khi đến Hải quan làm thủ tục).

- Những mặt hàng khác do Hải quan giải quyết, không phải xin phép Bộ Thương mại.

4. Về xuất khẩu gạo:

Điều chỉnh lại điểm 2.6 Thông tư liên Bộ 01 TM/TCHQ ngày 20.1.1996 về việc giám định như sau:

Khi doanh nghiệp đến làm thủ tục xuất khẩu tại Hải quan, ngoài văn bản cho phép của Bộ Thương mại doanh nghiệp còn cần nộp giấy xác nhận chân hàng của Viaconrol hoặc Foodcontrol ghi: "Doanh nghiệp đã có đủ số lượng gạo xuất khẩu theo tỷ lệ so với số lượng gạo quy định trong hợp đồng hoặc L/C của lô hàng". Chứng thư giám định hàng hoá được chấp thuận theo quy định của hợp đồng.

5. Việc xác định ngành hàng, mặt hàng tạm thời thực hiện theo bảng giải thích của Bộ Thương mại tại các phụ lục 1 và 2 đính kèm văn bản này. Đối với những mặt hàng chưa nêu hoặc nêu chưa rõ trong phụ lục nói trên, nếu doanh nghiệp xuất trình được giấy phép nhập khẩu chuyến do Phòng cấp giấy phép cấp về mặt hàng đó cho Doanh nghiệp năm 1995 hoặc 1996, thì Hải quan giải quyết cho doanh nghiệp được nhập khẩu. Các trường hợp khác doanh nghiệp cần báo cáo Bộ Thương mại để giải quyết.

6. Về việc nhập thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo Quyết định 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 04 TM/XNK ngày 30.7.1993 của Bộ Thương mại.

7. Về hoá chất độc:

Trong khi chờ Bộ Thương mại thống nhất với các ngành liên quan về danh mục hoá chất độc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, trước mắt thực hiện theo văn bản số 4806 TM/XNK ngày 17.4.1995 của Bộ Thương mại.

8. Động cơ các loại (của ô tô, xe 2 - 3 bánh, máy thuỷ...) không phải là phụ tùng nhưng nếu đã qua sử dụng thì được nhập khẩu theo văn bản cho phép của Bộ Thương mại.

Khung gầm ô tô, cabine rời, khung xe gắn máy là phụ tùng, không được nhập khẩu nếu đã qua sử dụng. Nếu là hàng mới thì được nhấp khẩu theo văn bản cho phép của Bộ Thương mại.

Khung gầm xe có lắp động cơ ô tô các loại không phải là phụ tùng được nhập khẩu (cả hàng đã qua sử dụng) nhưng doanh nghiệp muốn nhập khẩu phải có văn bản cho phép của Bộ Thương mại.

9. Về thép:

Thực hiện theo công văn số 3040 TM/XNK ngày 22/3/1996 của Bộ Thương mại. Đối với mặt hàng thép chuyên dùng, nếu đã ký hợp đồng và mở L/C trước ngày 22/3/1996 thì các doanh nghiệp mang công văn giải trình, hợp đồng và L/C đến Phòng giấy phép khu vực để được giả quyết.

10. Các mặt hàng ngoài Danh mục hàng tiêu dùng thuộc phụ lục số 1 Thông tư Liên bộ số 01 TM/TCHQ ngày 20.1.1996 không coi là hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp được nhập khẩu theo quy định hiện hành. Những quy định trên đây thay thế những nội dung tương ứng tại Thông tư 01 TM/TCHQ ngày 20/1/1996 và tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.

Bùi Duy Bảo

(Đã ký)

Tạ Cả

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC SỐ 1

[...]