Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC
Ngày ban hành 27/02/2009
Ngày có hiệu lực 27/02/2009
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thanh Hoà,Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 30/2009/QĐ-TTG NGÀY 23 THÁNG 2 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM TRONG DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN DO SUY GIẢM KINH TẾ

Căn cứ Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế (sau đây viết tắt là Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là doanh nghiệp và người lao động quy định tại Điều 1, Điều 2Điều 3 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg.

II. DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN TRONG NĂM 2009 ĐƯỢC NHÀ NƯỚC CHO VAY ĐỂ THANH TOÁN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG:

Trong năm 2009, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì được Nhà nước cho vay để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, thực hiện như sau:

1. Đối tượng được vay là các doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:

a) Doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thuộc các thành phần kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm.

b) Doanh nghiệp có số lao động phải giảm từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng).

Số lao động phải giảm của doanh nghiệp là số lao động trong danh sách trả lương của doanh nghiệp phải giảm trong năm 2009, bao gồm: số lao động là người Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Thời điểm tính số lao động phải giảm là thời điểm doanh nghiệp lập phương án sắp xếp lao động.

c) Doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc. Các nguồn của doanh nghiệp để thanh toán các khoản nêu trên bao gồm: Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, các khoản tiền lương phải trả cho người lao động kể cả Quỹ dự phòng tiền lương, các nguồn đã trích để đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Thời hạn vay: tối đa 12 tháng.

3. Mức vay: được xác định bằng nhu cầu chi trả nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động trừ đi các nguồn của doanh nghiệp đã được xác định tại tiết c điểm 1 của Mục này, nhưng mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm của doanh nghiệp.

4. Lãi suất vay: 0% (không phần trăm).

5. Trình tự, thủ tục vay: Thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và kèm theo văn bản xác nhận về phương án sắp xếp lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, văn bản xác nhận của Sở Tài chính về việc kê khai và sử dụng các nguồn nêu tại tiết c điểm 1 của Mục này.

Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng Phương án sắp xếp lao động, bao gồm số lao động hiện có, số lao động có nhu cầu sử dụng, số lao động giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, hết hạn hợp đồng lao động, số lao động không bố trí được việc làm theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận phương án, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương. Trong quá trình thực hiện phương án sắp xếp lao động đã được thẩm định mà có sự thay đổi thì phải có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển về những nội dung thay đổi.

Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp và báo cáo các nguồn của doanh nghiệp cho Sở Tài chính địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính; Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận báo cáo tài chính và báo cáo các nguồn nêu trên, Sở Tài chính phải có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương.

6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức cho vay và thực hiện việc cho vay, thu nợ và xử lý nợ theo thẩm quyền.

7. Thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động sau khi được vay:

a) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam thanh toán một lần tiền lương, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho từng người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương án đã được thẩm định.

b) Trong thời hạn 14 (mười bốn) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về việc thanh toán cho người lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

III. GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM TẠI CÁC DOANH NGHIỆP MÀ CHỦ DOANH NGHIỆP BỎ TRỐN TRONG NĂM 2009

Giải quyết chính sách đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn theo quy định tại Điều 2 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xác định doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và lập hồ sơ về lao động, tiền lương và tài chính của doanh nghiệp.

2. Trả tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động:

[...]