Thông tư liên tịch 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam do Bộ Tài chính - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP
Ngày ban hành 12/01/2010
Ngày có hiệu lực 26/02/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Lê Thế Tiệm,Nguyễn Công Nghiệp,Phan Trung Kiên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Trách nhiệm hình sự

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ LAO ĐỘNG, DẠY NGHỀ CỦA PHẠM NHÂN TRONG CÁC TRẠI GIAM

Căn cứ Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993; Pháp lệnh số 01/2007/UBTVQH12 ngày 19 tháng 10 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù;
Căn cứ Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam;
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn thực hiện chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam như sau:

Điều 1. Chế độ lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành hình phạt tù ở trại giam

1. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, phạm nhân phải lao động và học tập theo quy định của pháp luật để cải tạo. Căn cứ vào sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân, giám thị trại giam bố trí công việc cho từng phạm nhân một cách thích hợp.

2. Phạm nhân lao động 8 giờ trong 1 ngày, được nghỉ các ngày lễ, tết, chủ nhật và tổ chức học tập vào ngày thứ bảy. Thời gian phạm nhân học văn hóa, học nghề, nghe phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, học chương trình giáo dục công dân, được trừ vào thời gian lao động. Khi thời vụ hoặc trong trường hợp đột xuất khác, giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 2 giờ trong một ngày, nếu lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật, thời gian lao động không vượt quá 8 giờ trong 1 ngày. Thời gian phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong các ngày thứ bảy, chủ nhật sẽ được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền hoặc hiện vật.

3. Những phạm nhân dưới đây được miễn lao động nặng nhọc, độc hại theo danh mục quy định của pháp luật:

a) Phạm nhân là nam từ 55 tuổi trở lên;

b) Phạm nhân là người chưa thành niên;

c) Phạm nhân là nữ;

d) Phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động nặng nhọc, độc hại.

4. Những phạm nhân thuộc các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:

a) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước;

b) Phạm nhân đang nằm điều trị tại trạm xá, bệnh xá hoặc bệnh viện;

c) Phạm nhân có con nhỏ dưới 2 tuổi đang ở cùng trong trại giam bị ốm đau được y tế của trại giam xác định;

d) Phạm nhân ốm đau được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động.

Điều 2. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân

1. Lập và phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

a) Hàng năm vào trước ngày 05 tháng 7, giám thị trại giam căn cứ vào số lượng phạm nhân; sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân; tính chất trại giam; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề và trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại đang quản lý, lập kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong năm kế hoạch, gửi về Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng Điều tra hình sự quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý). Kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản sau:

- Tổng số lao động được sử dụng (bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp);

- Ngành nghề (bao gồm cả chỉ tiêu định mức lao động của từng ngành nghề);

- Nguồn vốn sử dụng;

- Tổng chi phí trong quá trình tổ chức lao động của phạm nhân;

- Tổng thu từ kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân;

- Chênh lệch thu, chi từ kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân;

- Dự kiến sử dụng số chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân, được trích theo tỷ lệ quy định tại Điều 5 Thông tư này để đầu tư trở lại cho việc tổ chức lao động, dạy nghề của phạm nhân.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam gửi về, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu phải tiến hành xong việc thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam, gửi trả lại trại giam để thực hiện, đồng thời tổng hợp số liệu, tình hình báo cáo cấp trên (lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu; đồng gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu) để theo dõi.

2. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân

[...]