Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC hướng dẫn chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an do Bộ Công an - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC
Ngày ban hành 09/04/2009
Ngày có hiệu lực 24/05/2009
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Đàm Hữu Đắc,Nguyễn Công Nghiệp,Đặng Văn Hiếu,Nguyễn Duy Thăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁ NHÂN  HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐƯỢC HUY ĐỘNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC CÔNG AN

Căn cứ Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an (sau đây viết tắt là Nghị định số 169/2007/NĐ-CP). Sau khi trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Công dân Việt Nam, người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được huy động phục vụ công tác công an (sau đây gọi chung là người được huy động).

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong Công an nhân dân;

2. Người được huy động trong trường hợp Nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chương II

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC HUY ĐỘNG

Điều 4. Tiền lương và phụ cấp đối với người được huy động

1. Người được huy động là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng nguyên lương, các chế độ, chính sách như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức của Nhà nước trước khi huy động và do cơ quan, tổ chức của Nhà nước trước khi huy động chi trả. Đồng thời, còn được hưởng phụ cấp huy động quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 169/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Bằng 30% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động dưới 6 tháng;

b) Bằng 50% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động từ 6 tháng đến dưới 1 năm;

c) Bằng 80% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động từ 1 năm trở lên;

Các chế độ phụ cấp lương tại điểm a, b, c nêu trên bao gồm các chế độ phụ cấp lương quy định tại Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 17/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do cơ quan, tổ chức Nhà nước đang chi trả trước khi huy động.

Các chế độ trợ cấp khác tại điểm a, b, c nêu trên là các khoản trợ cấp có tính chất lương do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đang chi trả trước khi huy động.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, Trưởng phòng thuộc Cục X, Bộ Khoa học và Công nghệ, đang hưởng hệ số lương 5,42, bậc 4, ngạch chuyên viên chính và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 0,50. Tháng 05/2009, ông A được Bộ Công an quyết định huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 12 tháng. Trong thời gian được huy động, ông A được hưởng nguyên lương, phụ cấp như khi đang làm việc tại Cục X và do Cục X chi trả; đồng thời, hàng tháng được hưởng phụ cấp huy động mức 80% do Bộ Công an chi trả. Với mức tiền lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng thì phụ cấp huy động một tháng của ông A được hưởng là:

((5,42 + 0,50) x 650.000 đồng/tháng) x 80% = 3.078.400 đồng/tháng.

Ví dụ 2: Bà Lê Thị H, thuộc Viện Y, Bộ Khoa học và Công nghệ; đang hưởng hệ số lương 4,98, bậc 9, ngạch chuyên viên và 7% phụ cấp thâm niên vượt khung. Bà H được Bộ Công an quyết định huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 6 tháng (từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm 2009). Trong thời gian được huy động, bà H được hưởng nguyên lương, phụ cấp như khi đang làm việc tại Viện Y và do Viện Y chi trả; đồng thời, hàng tháng được hưởng phụ cấp huy động mức 50% do Bộ Công an chi trả. Với mức tiền lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng thì phụ cấp huy động một tháng của bà H được hưởng là:

((4,98 + 4,98 x 0,7%) x 650.000 đồng/tháng) x 50% = 1.731.795 đồng/tháng.

2. Người được huy động không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong thời gian được huy động phục vụ công tác công an nếu được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý trả nguyên lương và các chế độ, chính sách như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó thì tuỳ thuộc vào thời gian huy động dược hưởng một trong các mức phụ cấp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này do Bộ Công an chi trả. Phụ cấp huy động được tính trên cơ sở mức tiền lương do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang chi trả.

Ví dụ 3: Ông Phạm Xuân Th, kỹ sư điện tử của Tập đoàn kinh tế F, được Bộ Công an huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 12 tháng (từ tháng 4/2009 đến hết tháng 3/2010). Trong thời gian Bộ Công an huy động, ông Th được Tập đoàn kinh tế F trả nguyên lương là 6.500.000 đồng/tháng. Như vậy trong thời gian huy động ngoài mức lương do Tập đoàn kinh tế F chi trả, mỗi tháng ông Th còn được Bộ Công an chi trả phụ cấp huy động mức 80%, cụ thể như sau:

6.500.000 đồng/tháng x 80% = 5.200.000 đồng/tháng

[...]