Thông tư liên tịch 01/TTLB năm 1995 hướng dẫn Quyết định 664-TTg về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn-Bộ Thương mại-Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 01/TTLB
Ngày ban hành 18/10/1995
Ngày có hiệu lực 18/10/1995
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Thương mại,Tổng cục Hải quan
Người ký Bùi Duy Bảo,Nguyễn Văn Đẳng,Nguyễn Xuân Quang
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/TTLB

Hà Nội , ngày 18 tháng 10 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỐ 01/TTLB NGÀY 22-12-1995 CỦA LIÊN BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 664-TTG NGÀY 18-10-1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ VÀ LÂM SẢN

Căn cứ Nghị định số 33-CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Điều 7 của Quyết định số 664-TTg ngày 18-10-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản;
Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản như sau:

I- VỀ CÁC LOẠI GỖ, LÂM SẢN VÀ SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ GỖ, LÂM SẢN CẤM XUẤT KHẨU:

1. Các loại gỗ, lâm sản thuộc nhóm IA ghi trong Quyết định 664-TTg là những loại thực vật rừng quý hiếm quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-01-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), được nêu trong Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

2. Gỗ tròn các loại ghi ở khoản 2, Điều 2, Quyết định 664-TTg, là tất cả các loại gỗ tròn thuộc tất cả 8 nhóm gỗ nêu trong Phụ lục II, được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, không bao gồm gỗ lóng dùng làm nguyên liệu giấy khai thác từ rừng trồng (gỗ tròn rừng trồng).

3. Gỗ xẻ các loại ghi ở khoản 3, Điều 2, Quyết định 664-TTg, là những tấm phiến hay thanh gỗ được xẻ ra từ những khúc gỗ tròn khai thác từ rừng tự nhiên hay rừng trồng trong nước, không bao gồm những tấm, phiến hay thanh gỗ đã bào phẳng các mút, có thể lắp ghép (không cho lắp ghép bằng đinh, vít hay bu-lông) với các bộ phận khác hay chi tiết khác để hợp thành một sản phẩm gỗ hoàn chỉnh.

4. Gỗ bóc ghi ở khoản 4, Điều 2, Quyết định 664-TTg là loại gỗ mỏng có độ dày từ 1mm trở lên, được chế biến từ những khúc gỗ tròn, qua máy bóc gỗ (veneer peeling lathe - dérouleuse) thành những cuộn gỗ mỏng có chiều dài nhất định, sau đó được cắt thành từng tấm để làm nguyên liệu sản xuất ván dán.

5. Song nguyên liệu ghi ở khoản 5, Điều 2, Quyết định 664-TTg là song đoạn chưa qua hết các công đoạn cạo vỏ, chuốt tròn, đánh nhẫn thành chi tiết sản phẩm hay chưa phóng tách thành nhiều sợi nhỏ.

Mây nguyên liệu ghi ở khoản 5, Điều 2, Quyết định 664-TTg là mây sợi chưa qua hết các công đoạn bóc vỏ, róc mắt, tẩy rửa sạch, luộc dầu, tẩm sấy hoá chất hoặc chưa chẻ thành nan, chưa đan thành mê.

6. Mặt hàng ghi ở khoản 7, Điều 2, Quyết định 664-TTg được hiểu là thanh gỗ ở mọi quy cách, đã bào định hình 4 mặt, xẻ rãnh, phay mộng để lắp ghép lại với nhau làm sàn nhà.

7. Ván sàn sơ chế ghi ở khoản 7, Điều 2, Quyết định 664-TTg, là những thanh gỗ xẻ ở mọi quy cách, chưa bào hoặc đã bào phẳng 4 mặt nhưng chưa xẻ rãnh, phay mộng.

8. Những mặt hàng ghi ở khoản 8, Điều 2, Quyết định 664-TTg là những loại sản phẩm, bán thành phẩm tốn nhiều gỗ hoặc mức độ chế biến sơ sài, kết cấu đơn giản, dễ bị người ta mua dùng làm nguyên liệu chế biến thành các loại sản phẩm gỗ khác.

Để ngăn chặn việc xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ trá hình và sản phẩm gỗ sơ chế, tốn nhiều gỗ, tuỳ theo tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ từng thời kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể sẽ bổ sung thêm vào khoản 8, Điều 2, Quyết định 664-TTg một số loại sản phẩm gỗ cấm xuất khẩu sau khi thống nhất với Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.

II- VỀ CÁC LOẠI GỖ, LÂM SẢN VÀ SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ GỖ, LÂM SẢN DO BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHO PHÉP SẢN XUẤT ĐỂ XUẤT KHẨU NÊU Ở ĐIỀU 3, QUYẾT ĐỊNH 664-TTG

1. Các loại gỗ, lâm sản và sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản dưới đây chỉ được làm thủ tục xuất khẩu tại Hải quan khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất để xuất khẩu:

1.1. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ nhóm IIA theo Nghị định 18-HĐBT (bao gồm cả gỗ pơ-mu) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án khai thác sử dụng và giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện.

1.2. Sản phẩm không sử dụng nguyên liệu gỗ nhóm IA, IIA nhưng sử dụng gỗ thuộc nhóm 1, nhóm 2 trong bảng phân loại gỗ ban hành kèm theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26-11-1977 của Bộ Lâm nghiệp, được nêu trong Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

1.3. Gỗ lóng bạch đàn, bồ đề, keo chưa cắt hoặc đã cắt thành từng khúc, chưa bóc hoặc đã bóc vỏ, khai thác từ rừng trồng sau khi đã cân đối đáp ứng nhu cầu gỗ trụ mỏ và gỗ nguyên liệu giấy.

1.4. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu gốc rễ cây rừng tự nhiên tận dụng hợp pháp.

1.5. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu là gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhận gia công, chế biến cho nước ngoài.

1.6. Mọi sản phẩm gỗ và lâm sản chưa được nêu trong các Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Quyết định 664-TTg.

2. Hồ sơ xin xuất khẩu các loại sản phẩm gỗ, lâm sản nêu tại các điểm 1 trên đây được gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm:

2.1. Công văn đề nghị của doanh nghiệp. Nếu là sản phẩm gỗ thì ghi rõ: tên hàng, loại gỗ sử dụng, nguồn gốc gỗ, định mức tiêu hao nguyên liệu cho một đơn vị sản phẩm gỗ, số lượng sản phẩm xin xuất khẩu và dự kiến đơn giá xuất (giá FOB). Nếu là gỗ lóng (gỗ tròn rừng trồng) thì ghi rõ: loại gỗ, nguồn gốc gỗ, quy cách lóng gỗ, số lượng xin xuất khẩu và dự kiến đơn giá xuất (giá FOB).

2.2. Các văn bản, chứng từ chứng minh nguồn gốc khối lượng gỗ đưa vào chế biến mặt hàng xin xuất khẩu nói trên là hợp pháp. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, các văn bản, chứng từ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp như: bản sao giấy phép khai thác, quyết định cho mở rừng khai thác của cơ quan có thẩm quyền quản lý rừng; hợp đồng mua bán gỗ, hoá đơn mua bán gỗ, biên bản trúng thầu khai thác gỗ hoặc mua gỗ bán đấu giá; bản sao biên lai nộp thuế tài nguyên (đối với gỗ rừng tự nhiên) hoặc biên lai nộp thuế sử dụng đất (đối với gỗ rừng trồng) của bên bán gỗ; tờ khai nhập khẩu gỗ có Hải quan cửa khẩu xác nhận đã thanh khoản và nộp thuế nhập khẩu của bên bán gỗ.

2.3. Hai bộ bản vẽ kỹ thuật sản phẩm gỗ, lâm sản thể hiện rõ hình dáng, quy cách, kích thước của sản phẩm và các chi tiết lớn. Nếu sản phẩm là hàng mỹ nghệ có hình dáng, mẫu mã, kích thước phức tạp không thể hiện được bằng bản vẽ thì cho phép dùng hai ảnh mầu cỡ 9x12cm, có ghi quy cách, kích thước bao của sản phẩm ở mặt sau ảnh để thay cho bản vẽ kỹ thuật.

2.4. Bản sao Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu thì gửi bản sao Giấy phép chế biến gỗ và lâm sản.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi xem xét hồ sơ và chấp thuận, sẽ có văn bản cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa được kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong văn bản sẽ nêu rõ tên sản phẩm, số lượng được phép xuất khẩu, loại gỗ được phép sử dụng, đồng thời trả lại cho doanh nghiệp một bộ bản vẽ kỹ thuật hoặc ảnh chụp đã được phê duyệt.

[...]