Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC
Ngày ban hành 29/04/2008
Ngày có hiệu lực 02/06/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Nguyễn Văn Đức
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------

Số: 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THUỘC NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường chi thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ (dưới đây gọi chung là dự án), do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp nhiệm vụ chi tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT).

2. Dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường được lập gồm đầy đủ các khoản mục chi phí để hoàn thành các công việc theo quy trình, quy phạm và các quy định kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc căn cứ vào nội dung công việc, khối lượng cần thực hiện, mức chi được quy định tại các văn bản hiện hành và một số mức chi cụ thể được quy định tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT.

3. Việc thanh quyết toán các dự án về bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định hiện hành.

II. PHƯƠNG PHÁP LẬP DỰ TOÁN DỰ ÁN, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

A. Lập dự toán kinh phí đối với dự án có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá sản phẩm:

Dự toán kinh phí được lập trên cơ sở khối lượng công việc nhân (x) đơn giá sản phẩm và các chi phí khác (nếu có).

1. Đơn giá sản phẩm bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung

1.1. Chi phí trực tiếp, bao gồm: chi phí nhân công; chi phí vật liệu; chi phí công cụ dụng cụ; chi phí năng lượng; chi phí nhiên liệu; chi phí khấu hao máy móc, thiết bị.

a) Chi phí nhân công: gồm chi phí lao động kỹ thuật và chi phí lao động phổ thông (nếu có) tham gia thực hiện dự án.

- Chi phí lao động kỹ thuật = số (số công nhân lao động kỹ thuật theo định mức) x (đơn giá ngày công lao động kỹ thuật).

Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật gồm: tiền lương cơ bản, lương phụ, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương và các chế độ khác cho người lao động theo quy định hiện hành, trong đó:

+ Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật


=

Tiền lương một tháng theo cấp bậc kỹ thuật trong định mức

+

Các khoản phụ cấp một tháng theo chế độ

26 ngày

+ Tiền lương một tháng theo cấp bậc kỹ thuật quy định trong định mức thực hiện theo hệ số lương ban hành tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước và mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành.

+ Các khoản phụ cấp một tháng theo chế độ bao gồm:

Phụ cấp lương;

Lương phụ: tiền lương chi trả cho các ngày lễ tết, hội họp, học tập, mức tính 11% lương cấp bậc kỹ thuật;

Các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn): 19% lương cấp bậc kỹ thuật;

Các khoản phụ cấp khác theo quy định hiện hành (nếu có).

- Chi phí lao động phổ thông (nếu có) = (số công lao động phổ thông theo định mức) x (đơn giá ngày công lao động phổ thông).

Đơn giá ngày công lao động phổ thông căn cứ theo giá của từng địa phương.

b) Chi phí vật liệu: là giá trị vật liệu chính, vật liệu phụ dùng trực tiếp trong quá trình thực hiện dự án.

Chi phí vật liệu = (Tổng số lượng từng loại vật liệu theo định mức) x (đơn giá từng loại vật liệu), trong đó:

- Số lượng vật liệu được xác định theo định mức sử dụng vật liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

- Đơn giá vật liệu (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng): căn cứ theo giá của từng địa phương.

[...]