Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BKH-BNG hướng dẫn triển khai bộ phận xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Ngoại giao ban hành
Số hiệu | 01/2008/TTLT-BKH-BNG |
Ngày ban hành | 17/03/2008 |
Ngày có hiệu lực | 10/04/2008 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Ngoại giao |
Người ký | Nguyễn Bích Đạt,Vũ Dũng |
Lĩnh vực | Đầu tư,Bộ máy hành chính |
BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ NGOẠI GIAO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2008/TTLT-BKH-BNG |
Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI BỘ PHẬN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI MỘT SỐ ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định
số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 02 tháng 12 năm 1993 và Nghị
định số 183/CP ngày 18 tháng 11 năm 1994 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 103/TB-VPCP ngày
09/5/2007 về Đề án tăng cường bộ phận xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số địa
bàn trọng điểm;
Liên bộ Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất hướng dẫn việc xây dựng
tổ chức và quản lý hoạt động của Bộ phận Xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số
địa bàn trọng điểm như sau:
I. TÊN GIAO DỊCH CỦA BỘ PHẬN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ:
Bộ phận Xúc tiến đầu tư nước ngoài (sau đây viết tắt là Bộ phận XTĐT) trực thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm có tên giao dịch tiếng Anh là Investment Promotion Section. Tại các Cơ quan đại diện có Phòng Kinh tế thì Bộ phận XTĐT nằm trong Phòng Kinh tế của Cơ quan đại diện.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ PHẬN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC:
1. Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Người đứng đầu Cơ quan đại diện, đồng thời được tiếp nhận thông tin và chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ và chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Người đứng đầu Cơ quan đại diện.
2. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo thường xuyên, định kỳ hàng quý thông qua Người đứng đầu Cơ quan đại diện cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao về tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với nước sở tại; nghiên cứu chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch đầu tư; nhu cầu thu hút đầu tư và khả năng huy động đầu tư, thủ tục đầu tư của nước sở tại; phương hướng hợp tác và phát triển quan hệ đầu tư của nước sở tại với Việt Nam để cung cấp thông tin và đề xuất các giải pháp kịp thời với các cơ quan hữu quan trong nước về chính sách, biện pháp phát triển quan hệ hợp tác đầu tư.
3. Chủ động tìm kiếm cơ hội, tiếp xúc và vận động các nhà đầu tư của nước sở tại vào Việt Nam; giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác đầu tư của Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nước sở tại; giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp nước sở tại có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam; phối hợp thẩm tra các nhà đầu tư của nước sở tại đầu tư tại Việt Nam khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu; tham gia hội thảo, hội nghị, diễn đàn, sự kiện về hợp tác đầu tư tại nước sở tại; tham gia đàm phán, theo dõi đôn đốc việc thực hiện Điều ước quốc tế về hợp tác đầu tư khi được phân công.
4. Hướng dẫn, tham gia và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại nước sở tại; giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác đầu tư của nước sở tại với cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước sở tại.
5. Phối hợp với các bộ phận khác trong Cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hợp tác đầu tư tại nước sở tại; kiến nghị với Người đứng đầu Cơ quan đại diện phương thức xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nước sở tại.
6. Lập kế hoạch, chương trình công tác hàng năm trình Người đứng đầu Cơ quan đại diện phê duyệt và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự thay đổi, Bộ phận XTĐT phải báo cáo Người đứng đầu Cơ quan đại diện và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
7. Bộ phận XTĐT được Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết và các ý kiến chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ được giao thông qua người đứng đầu Cơ quan đại diện.
8. Bộ phận XTĐT khi nhận được chỉ đạo từ cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước thì phải báo cáo người đứng đầu Cơ quan đại diện và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp công việc thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành cần xử lý gấp, nếu Cơ quan chuyên ngành trong nước có ý kiến khác với ý kiến của người đứng đầu Cơ quan đại diện thì Bộ phận XTĐT phải thực hiện quyết định của người đứng đầu Cơ quan đại diện. Người đứng đầu Cơ quan đại diện có trách nhiệm báo cáo ngay quyết định của mình với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thử trưởng Cơ quan chuyên ngành trong nước.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Người đứng đầu Cơ quan đại diện.
III. TỔ CHỨC CỦA BỘ PHẬN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ:
1. Tuỳ theo đặc điểm của địa bàn và số lượng cán bộ xúc tiến đầu tư được bố trí tại các Cơ quan đại diện, người đứng đầu Cơ quan đại diện có thể bố trí Bộ phận XTĐT nằm trong Bộ phận Kinh tế của Cơ quan đại diện hoặc thành lập Bộ phận XTĐT trực thuộc Cơ quan đại diện.
2. Cán bộ XTĐT có hàm ngoại giao từ Tùy viên đến Tham tán.
IV. CƠ CHẾ VÀ TIÊU CHUẨN BỔ NHIỆM CÁN BỘ:
1. Căn cứ yêu cầu công tác tại từng địa bàn, số biên chế được duyệt và tiêu chuẩn cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xét chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành kinh tế tổng hợp và giới thiệu nhân sự cụ thể sang Bộ Ngoại giao.
2. Cán bộ XTĐT được cử đi làm việc tại các Cơ quan đại diện, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại điều 5 Nghị định của Chính phủ số 183/CP ngày 18/11/1994 phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a. Có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt;
b. Có trình độ chuyên môn, nắm vững luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài của Việt Nam; có kinh nghiệm về quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài;
c. Thông thạo ngoại ngữ nước sở tại hoặc thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng trên thế giới có thể sử dụng rộng rãi tại nước sở tại;
d. Đạt tiêu chuẩn về sức khỏe.
3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra ngoại ngữ và bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị đối ngoại đối với các cán bộ được giới thiệu nhằm bảo đảm cử người đủ tiêu chuẩn.
4. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét và quyết định bổ nhiệm chức vụ ngoại giao đối với cán bộ XTĐT trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thực tế nhu cầu công tác, số lượng biên chế tại các địa bàn, năng lực và phẩm chất cán bộ phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.
5. Nhiệm kỳ công tác của cán bộ XTĐT là 03 năm.