Thông tư liên bộ 55-TT-LB-VP năm 1963 về việc cho vay xây dựng đồng muối mới do Bộ Công nghiệp nhẹ - Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 55-TT-LB-VP
Ngày ban hành 30/01/1963
Ngày có hiệu lực 14/02/1963
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nhẹ,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Thao,Vũ Duy Hiệu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55-TT-LB-VP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 1963 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC CHO VAY XÂY DỰNG ĐỒNG MUỐI MỚI

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VÀ BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ

Kính gửi:

- Các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng,
- Các ông chi Cục trưởng chi Cục Muối
- các tỉnh miền biển có sản xuất muối.

 

Theo dự kiến bước đầu của kế hoạch Nhà nước thì đến năm 1965, sản lượng muối phải đạt được khoảng 240.000 tấn (bằng 218% sản lượng muối năm 1960) mới có thể đảm bảo được yêu cầu tiêu dùng của nhân dân, của công nghiệp hoá chất và công nghiệp thực phẩm ngày càng tăng.

Muốn đạt được sản lượng muối kể trên, một mặt phải đẩy mạnh tăng năng suất trên các đồng muối cũ, mặt khác phải tích cực tăng diện tích đồng muối lên khoảng gấp đôi năm 1960. Vì vậy việc xây dựng đồng muối mới có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay cũng như các năm sau này.

Để đảm bảo việc xây dựng đồng muối mới tiến hành được thuận lợi, nhanh chóng và đạt được kết quả tốt, liên Bộ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công nghiệp nhẹ đã thoả thuận với nhau và ra thông tư liên Bộ quy định chủ trương, biện pháp và trách nhiệm của hai ngành trong việc xây dựng đồng muối mới theo tinh thần dưới đây:

1. Việc xây dựng đồng muối mới sẽ được tiến hành theo hai phương pháp: phơi cát và phơi nước. Phương pháp phơi cát là phương pháp cũ mà dân làm muối ta vẫn quen làm, tốn nhiều sức lao động, phẩm chất muối kém, giá thành cao, nhưng sản lượng muối trên diện tích lại cao hơn phơi nước. Phương pháp phơi nước là phương pháp mới đã thí nghiệm thành công ở một số nơi; làm theo phương pháp này thì kỹ thuật phức tạp hơn, ít tốn sức lao động hơn, phẩm chất muối tốt hơn, (dùng cho công nghiệp) giá thành hạ hơn, năng suất lao động cao hơn, nhưng sản lượng muối trên diện tích lại thấp hơn phơi cát. Cho vay xây dựng đồng muối mới trước mắt là tập trung vốn vào giúp các hợp tác xã xây dựng theo phương pháp phơi cát là chủ yếu; nhưng đồng thời cũng cho vay để xây dựng theo phương pháp phơi nước ở một số nơi có điều kiện (hiện nay các hợp tác xã làm theo phương pháp phơi nước chỉ tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, sau này có thể sẽ mở rộng ra các nơi khác), được Cục Muối duyệt y bản thiết kế và Chi Cục Muối đảm bảo về mặt thi công và chỉ đạo kỹ thuật.

2. Đối tượng cho vay xây dựng đồng muối mới bao gồm:

- Cho vay mua vật liệu xây dựng và trả chi phí nhân công để khai phá ruộng cát, đào mương dẫn nước mặn và tiêu nước ngọt, xây dựng ô trong phát và ô kết tinh, xây dựng phương tiện lọc và chứa nước cái (chạt, thống, giếng, bề).

- Cho vay mua sắm phương tiện vận chuyển (xe cút kít, xe hai bánh có ổ bi) và phương tiện lấy nước mặn (guồng, máy bơm).

- Cho vay mua sắm các dụng cụ sản xuất rẻ tiền mau hư: xêu, xẻng, cào, cuốc, mai, trưng cát, bầu, bừa, trục, rỗ,…

- Cho vay mua vật liệu xây dựng và trả chi phí nhân công để xây dựng kho chứa muối;

- Đối với những người ở xa, di dân đến lập hợp tác xã và xây dựng làng mới thì cho vay mua vật liệu xây dựng và một phần trả chi phí nhân công làm nhà ở.

Vốn đầu tư vào việc đắp đê, xây cống do Ngân sách đài thọ, vốn mua sắm các dụng cụ sinh hoạt tập thể và chăn màn áo ấm do các hợp tác xã và xã viên tự giải quyết, Ngân hàng không cho vay.

Xây dựng đồng muối mới phải đầu tư một số vốn khá lớn trên một đơn vị diện tích, nên toàn bộ đối tượng cho vay kể trên đều được coi là vốn vay dài hạn, mặc dù trong đó có cho vay mua sắm một số dụng cụ rẻ tiền mau hỏng. Sau khi các công trình xây dựng đã hoàn thành và bước vào sản xuất, hợp tác xã cần vốn tiếp tục cho các nhu cầu sản xuất bình thường thì các khoản vay này không được coi là đối tượng cho vay dài hạn xây dựng đồng muối mới nữa, mà sẽ được vay theo thể lệ biện pháp cho vay đồng muối cũ.

3. Việc xây dựng đồng muối mới thực chất là công tác xây dựng cơ bản, đòi hỏi phải bỏ ra một số nhân lực khá lớn trên một đơn vị diện tích (bao gồm cả nhân công thường để xe cát, đào đất, đắp nền, đào xú vẹt, san phẳng mặt ruộng và công nhân kỹ thuật để xây dựng ô nệ, giếng bể, làm kho, v.v…) Mặt khác công việc xây dựng phải tranh thủ làm gấp trong thời gian khô ráo (quý IV và quý I) để kịp hoàn thành công trình đưa vào sản xuất trong mùa nắng (quý II và quý III). Nếu hợp tác xã hoàn toàn phải tự túc về nhân lực thì việc xây dựng đồng muối mới thường bị kéo dài, chậm đưa vào sản xuất. Hiện nay theo yêu cầu mới, cần phải xây dựng một diện tích khá lớn và phải tập trung một phần quan trọng làm trong quý I – 1963 để kịp đưa vào sản xuất đầu quý II – 1963 nên ngoài số nhân lực của các hợp tác xã phải tự túc còn phải thuê thêm nhân công ngoài. Vì vậy, Ngân hàng từ trước đến nay đã cho vay để trả chi phí nhân lực xây dựng đồng muối mới do xã viên các hợp tác xã tự đứng ra làm, thì hiện nay cũng sẽ cho các hợp tác xã vay để thuê thêm nhân công ngoài. Từng hợp tác xã, từng xã, muốn vay để trả chi phí nhân công thuê ngoài thì phải lập bảng cân đối về nhân lực (trong đó ghi rõ diện tích xây dựng mới gồm bao nhiêu công mẫu, làm vào thời gian nào, số nhân công kỹ thuật và nhân công thường cần huy động cho mỗi công mẫu là bao nhiêu? Hợp tác xã tự túc được bao nhiêu, cần thuê ngoài là bao nhiêu và thuê ở đâu?). Sau khi nhận được bảng cân đối về nhân lực của các hợp tác xã trong các xã, Ủy ban hành chính các huyện phải lên cân đối chung toàn huyện, xem xét và điều chỉnh lại cho phù hợp với nhiệm vụ điều động nhân lực chung của huyện và phải gửi lên Ủy ban kế hoạch tỉnh thông qua. Sau khi được Ủy ban kế hoạch tỉnh duyệt, các Chi điếm Ngân hàng sẽ căn cứ vào đó để cho vay. Riêng đối với quý I-1963 vì hoàn cảnh thời gian, các huyện có thể xét trước đối với từng hợp tác xã có điều kiện khởi công sớm, không phải đợi làm xong bảng tổng hợp cân đối chung. Và sau khi trình Ủy ban kế hoạch tỉnh duyệt riêng từng trường hợp thì chuyển gấp cho các Chi điếm Ngân hàng để các hợp tác xã có điều kiện được vay vốn sớm cho kịp với yêu cầu xây dựng.

4. Về mức độ cho vay: một mặt sẽ khai thác hết mọi khả năng tiềm tàng của các hợp tác xã để đưa vào xây dựng, mặt khác Nhà nước sẽ cho vay đủ số vốn còn thiếu. Cụ thể là:

- Đối với vật liệu xây dựng sẽ cho vay theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà Chi Cục Muối đã quy định, sau khi trừ số tồn kho về vật liệu xây dựng và quỹ tích luỹ còn lại của các hợp tác xã, số còn thiếu Ngân hàng sẽ cho vay đủ;

- Đối với nhân công trong hợp tác xã: sau khi trừ số công lao động xã hội chủ nghĩa và số công mà xã viên cho hợp tác xã chịu nợ, số còn lại cho vay tối đa không quá 0đ60 một ngày công nếu là công nhân thường và tối đa không quá 1đ25 nếu là công kỹ thuật. Đối với nhân công phải thuê ngoài: cho vay tối đa không quá 1đ25 nếu là công nhân thường và không quá 2đ50 nếu là công nhân kỹ thuật;

- Đối với kho chứa muối thì cho vay để xây dựng kho có sức chứa 28 tấn cho một công mẫu ruông muối;

- Đối với nhà ở cho người di dân định cư thì cho vay không quá 360đ cho một gia đình trung bình có năm người.

5. Về thời hạn và mức lãi cho vay:

- Căn cứ vào mức cho vay tối đa mà các hợp tác xã phải vay, vào mức thu nhập và chi phí trung bình hàng năm của mỗi công mẫu ruộng muối, thì thời hạn cho vay xây dựng đồng muối mới tối đa không quá năm năm. Trong ba năm đầu mức thu nợ sẽ ít hơn hai năm sau, vì mức thu nhập ba năm đầu chưa cao;

- Để chiếu cố đến khó khăn của việc xây dựng đồng muối mới, mức lãi cho vay được áp dụng theo mức lãi cho vay khai hoang nhỏ của nông nghiệp tức là 2,5% một năm. Sau khi công trình đã hoàn thành và đi vào sản xuất, nếu hợp tác xã cần vay thì từ đó sẽ áp dụng mức lãi thông thường hiện hành đối với cho vay nghề muối.

6. Dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của cơ quan muối, Ngân hàng sẽ trực tiếp cho các hợp tác xã xây dựng đồng muối mới vay, không cho vay qua các tổ chức trung gian khác, để ngăn ngừa tình trạng lãng phí vốn và sau khi công trình hoàn thành không ai chịu nhận nợ, nhu cho vay thuỷ lợi trước đây.

Ngân hàng sẽ cho vay dần theo khả năng thực tế mà các hợp tác xã có thể làm được trong từng thời gian, không cho vay cả một lúc để tránh tình trạng ứ đọng và lãng phí vốn, và chỉ cho vay theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan muối duyệt y, theo mức độ đã nói ở điểm trên.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ