Thông tư liên bộ 14-LB-TT năm 1962 về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội đồng khám xét thương tật do Bộ Y tế- Bộ Nội vụ- Bộ Lao Động

Số hiệu 14-LB-TT
Ngày ban hành 22/06/1962
Ngày có hiệu lực 22/06/1962
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ,Bộ Y tế
Người ký Phạm Ngọc Thạch,Lê Tất Đắc,Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-LB-TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG KHÁM XÉT THƯƠNG TẬT

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
Các Sở, Ty Y tế
Các Sở, Ty, Phòng Lao động
Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ
Các Ủy ban, Ban, các đoàn thể Trung ương

 

Căn cứ vào điều 27, tiết 3, chương II của Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội do Hội đồng Chính phủ ban hành, về việc tổ chức Hội đồng khám xét thương tật làm nhiệm vụ xếp hạng thương tật cho công nhân, viên chức Nhà nước khi bị tai nạn lao động.

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, sau khi thống nhất ý kiến với Tổng Công đoàn Việt Nam, Liên Bộ Y tế - Nội vụ - Lao động ra thông tư này nhằm quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của Hội đồng khám xét thương tật như sau:

I. TỔ CHỨC

1. Hội đồng khám xét thương tật được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố, các khu tự trị, khu Hồng Quảng, khu vực Vĩnh Linh và ở các cấp Trung ương. Riêng ở Tổng cục Đường sắt cũng được tổ chức Hội đồng khám xét thương tật để giải quyết cho công nhân, viên chức ngành Đường sắt.

2. Thành phần Hội đồng khám xét thương tật các khu, thành, tỉnh gồm có:

- Chủ tịch và hai ủy viên Hội đồng giám định y khoa của khu, thành, tỉnh (Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa kiêm Chủ tịch Hội đồng khám xét thương tật, Ủy viên Hội đồng giám định y khoa kiêm Ủy viên Hội đồng khám xét thương tật).

- Một đại diện Phòng Tổ chức của Ủy ban hành chính làm ủy viên.

- Một đại diện của cơ quan lao động làm ủy viên,

- Một đại diện của Liên hiệp Công đoàn làm ủy viên.

Trường hợp xếp hạng thương tật cho thương binh thì Hội đồng sẽ mời thêm đại diện của Ủy ban hành chính (bộ phận chuyên trách về công tác thương binh) tham dự với tư cách là ủy viên. Hai ủy viên đại diện cho cơ quan lao động và Công đoàn không cần tham sự khi Hội đồng xếp hạng thương tật cho thương binh đã phục viên, dân quân, du kích và thanh niên xung phong.

3. Hội đồng khám xét thương tật cấp nào do Ủy ban hành chính cấp ấy ra quyết định thành lập.

Các thành viên của Hội đồng giám định y khoa sẽ thay mặt cho cơ quan y tế.

Các cơ quan khác cần cử những cán bộ có đủ cương vị thay mặt cho cơ quan như: Trưởng, Phó phòng Tổ chức, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh; Chánh, Phó Giám đốc Sở, Trưởng Phó Ty hoặc Trưởng phó Phòng Lao động, đại diện có thẩm quyền của Liên hiệp Công đoàn khu, thành, tỉnh.

4. Thành viên Hội đồng xét thương tật Trung ương do Liên Bộ Y tế - Nội vụ- Lao động chỉ định, ra quyết định, bổ nhiệm và gồm có:

- Chủ tịch và hai ủy viên Hội đồng giám định y khoa trung ương (Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa kiêm Chủ tịch Hội đồng khám xét thương tật, hai ủy viên Hội đồng giám định y khoa kiêm ủy viên Hội đồng khám xét thương tật).

- Một đại diện của Bộ Y tế làm ủy viên.

- Một đại diện của Bộ Nội vụ làm ủy viên.

- Một đại diện của Bộ Lao động làm ủy viên.

- Một đại diện của Tổng Công đoàn Việt-nam làm ủy viên.

5. Thành viên Hội đồng khám xét thương tật của Tổng cục Đường sắt do Tổng cục Đường sắt đề cử lên Bộ Giao thông vận tải xét duyệt và gồm có:

- Chủ tịch và hai ủy viên Hội đồng giám định y khoa Tổng Cục Đường sắt (Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa kiêm Chủ tịch Hội đồng khám xét thương tật, hai ủy viên Hội đồng giám định y khoa kiêm ủy viên Hội đồng khám xét thương tật).

- Một đại diện của Tổng Cục Đường sắt làm ủy viên.

- Một đại diện của Công đoàn Đường sắt làm ủy viên.

6. Về mặt biên chế, đại diện của cơ quan nào vẫn thuộc biên chế của cơ quan ấy.

[...]