Thông tư liên bộ 10-TT/LB-NH-BĐ-TC năm 1965 về chuyển lương cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, quân đội và công an nhân dân vũ trang do Ngân hàng Nhà nước - Tổng Cục Bưu điện và Truyền thanh - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 10-TT/LB-NH-BĐ-TC
Ngày ban hành 24/11/1965
Ngày có hiệu lực 09/12/1965
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước,Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh
Người ký Trần Quang Bình,Trần Dương,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TT/LB-NH-BĐ-TC

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 1965 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC CHUYỂN LƯƠNG CHO GIA ĐÌNH CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, QUÂN ĐỘI VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG

Thi hành Chỉ thị số 3578-TN ngày 22 tháng 10 năm 1965 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển lương cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, quân đội và công an nhân dân vũ trang (gọi tắt là công nhân, viên chức, bộ đội) Liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Tổng cục Bưu điện và truyền thanh – Tài chính ra Thông tư này để quy định mục đích, ý nghĩa, đối tượng được áp dụng, nội dung, biện pháp và thủ tục đối chiếu, kiểm soát.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Việc tổ chức chuyển lương cho gia đình công nhân, viên chức, bộ đội, nhằm mục đích:

1. Bảo đảm cho gia đình công nhân, viên chức, bộ đội, hàng tháng được nhận tiền đều đặn, nhanh chóng, không phải đi xa, không trở ngại cho sinh hoạt bình thường, trên cơ sở đó góp phần động viên gia đình nỗ lực sản xuất và chiến đấu;

2. Giúp cho Ngân hàng Nhà nước chủ động trong việc điều hòa lưu thông tiền tệ.

II. ĐỐI TƯỢNG

Công nhân, viên chức, bộ đội có thể uỷ nhiệm, nhờ cơ quan, đơn vị, xí nghiệp (gọi tắt là đơn vị) hàng tháng trích một phần tiền lương của mình để chuyển cho gia đình. Để khỏi trở ngại cho việc tổ chức chuyển lương, đối tượng được chuyển lương theo biện pháp này gồm có:

- Cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh, các đoàn thể, làm việc lâu dài, thường xuyên,

- Quân nhân và công nhân viên quốc phòng; công an nhân dân vũ trang.

Các đối tượng khác như công nhân viên làm việc tạm thời, sắp về hưu trí (còn dưới 6 tháng), học nghề, chờ công tác, tập sự chưa được một năm và không phải là tốt nghiệp ở các trường đại học, chuyên nghiệp như đã nói trong Thông tư số 01-TT/LB của Liên bộ Lao động - Nội vụ ngày 23 tháng 01 năm 1962, bị truy tố chờ xét xử, v.v không thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này. Những người này vẫn có thể tự mình gửi tiền về cho gia đình bằng thư chuyển tiền qua bưu điện.

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP CHUYỂN LƯƠNG

A. TỔ CHỨC CHUYỂN LƯƠNG

Trong việc tổ chức chuyển lương này, các cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Bưu điện chỉ giao dịch với các đơn vị, không giao dịch riêng với từng người có lương chuyển cho gia đình.

1. Điều kiện để chuyển lương

Số tiền chuyển cho gia đình phải cố định trong suốt cả năm, tuy nhiên người có lương chuyển cho gia đình có thể đề nghị thay đổi kể từ ngày 01 tháng 7 mỗi năm, trừ trường hợp bị giảm lương làm ảnh hưởng đến mức lương chuyển cho gia đình thì phải thay đổi ngay.

Mức tiền chuyển cho gia đình không được quá mức làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bản thân người chuyển. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm xét duyệt số tiền hàng tháng của công nhân, viên chức, bộ đội gửi cho gia đình khi duyệt các bảng đăng ký để trong bất kỳ trường hợp nào sinh hoạt bình thường của người có lương chuyển cho gia đình cũng được bảo đảm.

2. Đăng ký danh sách và số tiền lương chuyển cho gia đình

a) Đối với cơ quan, xí nghiệp:

- Cơ quan, xí nghiệp cố định ở một nơi trong một thời gian dài.

Mỗi năm một lần đơn vị phải lập bảng đăng ký lần đầu (mẫu số 1) thành 4 liên viết lồng gửi đến Ngân hàng A chậm nhất là ngày 10 tháng 12 năm trước (Ngân hàng A và Bưu điện A là ngân hàng và bưu điện nơi đơn vị đóng trụ sở, Ngân hàng B và Bưu điện B là ngân hàng và bưu điện nơi gia đình lĩnh tiền).

Ngân hàng A kiểm soát lại bảng đăng ký, nếu đúng là đơn vị thật có tài khoản (hạn mức hay tiền gửi) tại ngân hàng thì ký duyệt và chuyển cả 4 liên cho Bưu điện A. Bưu điện A ký duyệt bảng đăng ký lập sổ chuyển lương, phiếu kiểm soát, đánh số thứ tự, rồi xử lý như sau:

1 liên gửi Tổng cục Bưu điện và truyền thanh (Cục Bưu chính và phát hành báo chí),

1 liên gửi Ngân hàng A,

1 liên lưu tại Bưu điện A,

1 liên trả lại đơn vị xin đăng ký.

Gửi các sổ chuyển lương và phiếu kiểm soát thẳng cho Bưu điện B (mẫu số chuyển lương và phiếu kiểm soát sẽ do Tổng cục Bưu điện và truyền thanh quy định và in).

[...]