Thông tư liên bộ 03-TT/LB năm 1961 về thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của Tài chính thu về thuế nông nghiệp và giao cho ngành Lương thực do Tổng cục lương thực, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính ban hành.

Số hiệu 003-TT/LB
Ngày ban hành 05/05/1961
Ngày có hiệu lực 20/05/1961
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước,Tổng Cục lương thực
Người ký Trần Văn Hiển,Trịnh Văn Bính,Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC - TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 003-TT/LB

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 1961 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH VIỆC THANH TOÁN TIỀN BÁN THÓC VÀ HIỆN VẬT KHÁC CỦA TÀI CHÍNH THU VỀ THUẾ NÔNG NGHIỆP VÀ GIAO CHO NGÀNH LƯƠNG THỰC 

Trong mấy năm qua, việc thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp giữa ngành Lương thực và Tài chính Nhà nước tiến hành như sau:

- Trong 6 tháng đầu năm, ngành Lương thực phải thanh toán xong cho ngân sách toàn bộ số thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp do Tài chính đã giao cho Lương thực trong vụ đông năm trước, trong 6 tháng cuối năm phải thanh toán xong toàn bộ số thóc và hiện vật khác đã giao trong vụ hạ năm đó.

- Mỗi tháng Lương thực chỉ thanh toán cho ngân sách Nhà nước khoản 1/6 tổng số tiền phải thanh toán về mỗi vụ thu thuế nông nghiệp.

Biện pháp thanh toán trên đây có nhược điểm là:

1. Làm cho ngân sách Nhà nước không sử dụng được kịp thời số thuế đã thu được.

2. Ngành Lương thực tuy đã nhận được vật tư vào kho nhưng chưa phải trả tiền: trong tài vụ của ngành Lương thực, tiền và vật tư không cân đối: Ngành Lương thực thường chiếm dụng vốn của ngân sách, làm ứ đọng vốn của Nhà nước, đồng thời hạn chế quan hệ tín dụng giữa ngành Lương thực với Ngân hàng Nhà nước.

Tình hình trên đây không khuyến khích ngành Lương thực tăng cường hạch toán kinh tế.

Để khắc phục tình trạng không hợp lý nói trên, Liên bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Lương thực quyết định thay đổi biện pháp thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp như sau:

1. Sau mỗi vụ thu thuế nông nghiệp, ngành Lương thực phải thanh toán ngay toàn bộ số thóc và hiện vật khác đã nhận của Tài chính. Thời gian thanh toán, đối với vụ đông, không được kéo dài quá ngày 15 tháng 03 năm sau; thời gian thanh toán đối với vụ hạ không được kéo dài quá ngày 15 tháng 9 năm thu thuế.

2. Trong quá trình thu, cứ 5 hay 10 ngày là tối đa ngành Lương thực nhập kho được bao nhiêu, phải đối chiếu, xác nhận với Tài chính huyện và thanh toán ngay bấy nhiêu cho ngân sách. (Các báo cáo và biên bản thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp vẫn lập theo đúng như đã quy định trong thông tư Liên bộ Tài chính – Thương nghiệp số 23-LB/TCTN ngày 27-08-1957 và trong các văn bản bổ sung về sau đã được nhắc lại trong Chỉ thị số 577-TC/LT ngày 30-03-1961 của Liên bộ Tài chính - Tổng cục Lương thực).

Để thi hành tốt biện pháp thanh toán mới, Liên bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Lương thực quy định:

1. Các Sở, Ty Tài chính và các Công ty Lương thực địa phương có trách nhiệm thi hành đúng những điều quy định trong thông tư này kể từ ngày ban hành. Các Sở, Ty Tài chính có trách nhiệm đôn đốc các Công ty Lương thực nộp tiền đủ và đúng hạn.

2. Để các Công ty Lương thực địa phương có đủ tiền thanh toán cho Tài chính, khi cần các Chi nhánh Ngân hàng khu, tỉnh, thành phố cho các Công ty Lương thực vay dần dần để thanh toán cho ngân sách, căn cứ vào trị giá số lượng thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp đã nhập kho coi như là Ngân hàng cho vay chi trả hàng hóa dự trữ và luân chuyển của ngành Lương thực. Cụ thể là trong quá trình thu thuế, Công ty Lương thực nhập thóc và hiện vật khác vào kho được bao nhiêu thì Chi nhánh Ngân hàng cho Công ty Lương thực vay để trả cho ngân sách bấy nhiêu.

Đối với số tiền thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp vụ đông năm 1960 còn lại đến nay chưa thanh toán thì Công ty Lương thực phải thanh toán hết nội trong tháng 05-1961. Chi nhánh Ngân hàng cũng cho vay đủ số cần thiết để trả cho ngân sách. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trung ương và Tổng cục Lương thực sẽ có thông tư Liên bộ hướng dẫn riêng về việc vay, trả giữa các Chi nhánh Ngân hàng và các Công ty Lương thực địa phương.

Để đảm bảo nguồn thu của ngân sách Nhà nước được kịp thời sử dụng vào sự nghiệp kiến thiết nước nhà, Liên bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Lương thực yêu cầu các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố lãnh đạo chặt chẽ và đôn đốc các ngành Tài chính, Lương thực và Ngân hàng thi hành nghiêm chỉnh thông tư này.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC
 
 


Trần Văn Hiển

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 
 

Lê Viết Lượng

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 
 
Trịnh Văn Bính