Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 06/09/2023
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2023/TT-BCT

Hà Nội, ngày      tháng    năm 2023

 

DỰ THẢO THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐO ĐẠC, BÁO CÁO, THẨM ĐỊNH GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH VÀ KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH NGÀNH CÔNG THƯƠNG (DỰ THẢO 2)

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng.

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Thông tư này quy định về kiểm kê khí nhà kính (KNK), quy trình kỹ thuật Đo đạc, Báo cáo, Thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải KNK, đối với các hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính ngành Công Thương.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK ngành Công Thương.

1. Khí nhà kính (KNK) là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính bao gồm: : carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O), hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3).

2. Nguồn phát thải khí nhà kính là nơi xảy ra các quá trình vật lý, hóa học gây phát thải ra khí nhà kính hoặc các hoạt động sử dụng điện hoặc nhiệt trong sản xuất có liên quan đến sử dụng toàn bộ hoặc một phần nhiên liệu hóa thạch.

3. Phát thải KNK trực tiếp là việc phát thải KNK sinh ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, khai thác khoáng sản trên bề mặt hoặc trong lòng đất hoặc rò rỉ các chất gây hiệu ứng nhà kính từ máy móc, trang thiết bị lưu trữ của con người.

4. Phát thải KNK gián tiếp là phát thải KNK do sử dụng các dạng năng lượng như điện, nhiệt hoặc hơi nước có nguồn gốc sử dụng toàn bộ hoặc một phần nhiên liệu hóa thạch.

5. Số liệu hoạt động là số liệu định lượng của các loại nhiên liệu, vật chất sử dụng trong công nghiệp gây phát thải KNK bao gồm lượng nhiên liệu, năng lượng, điện tiêu thụ, vật liệu.

6. Hệ số phát thải của một loại KNK là khối lượng KNK phát thải hoặc loại bỏ trên mỗi đơn vị khối lượng của số liệu hoạt động.

7. Kiểm kê KNK là hoạt động thu thập thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải KNK, tính toán lượng phát thải KNK, hấp thụ KNK trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. 

8. Bậc kiểm kê là đại diện cho độ chi tiết của kết quả kiểm kê KNK tương ứng với phương pháp kiểm kê KNK được lựa chọn, gồm bậc 1,2 và 3 theo hướng dẫn của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

9. Thẩm định là hoạt động đánh giá báo cáo kết quả đo đạc mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thông tin liên quan khác theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

10. Cơ sở là các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành Công Thương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (gọi tắt là Cơ sở).

11. Kịch bản phát triển thông thường (BAU) là giả định có cơ sở khoa học về mức phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thông thường trong tương lai khi chưa thực hiện biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

12. Sản phẩm tương đương là sản phẩm được quy đổi từ các sản phẩm khác nhau được sản xuất trong Cơ sở theo một sản phẩm được lựa chọn (tùy thuộc vào từng Cơ sở) để tính toán lượng phát thải trên một đơn vị sản phẩm.

13. Các quá trình công nghiệp là các hoạt động công nghiệp gây phát thải khí nhà kính từ các quá trình hóa, lý không tiêu thụ năng lượng; là một trong các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

14. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động nhằm giảm nhẹ mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính, tăng cường hấp thụ khí nhà kính.

15. Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hệ thống thu thập, xử lý, quản lý, lưu trữ, cung cấp, kiểm tra thông tin và thẩm định kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác và có thể kiểm chứng được.

Kiểm kê khí nhà kính và MRV cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tính đầy đủ: Kiểm kê và MRV kết quả giảm phát thải khí nhà kính phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải, số liệu thu thập cần liên tục, không bị gián đoạn;

[...]