Dự thảo Thông tư hướng dẫn, quy định thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành năm 2016

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/10/2016
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:                /2016/TT-BCT

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2016

DỰ THẢO
28/10/2016

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN, QUY ĐỊNH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 12 tháng 9 năm 2016 (sau đây gọi tắt là Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung);

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn, quy định thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp hoặc thương nhân Việt Nam đăng ký tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới Việt – Trung theo quy định tại Thông tư này để được hưởng chính sách ưu đãi của Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Trung (sau đây gọi chung là thương nhân biên giới).

2. Cư dân biên giới của Việt Nam.

3. Doanh nghiệp hoặc thương nhân và cư dân biên giới của Trung Quốc được tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới.

4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung.

Điều 3. Thương nhân biên giới

1. Thương nhân Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đến Sở Công Thương tỉnh biên giới nơi muốn được tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Trung, hồ sơ gồm:

a) 01 (một) đơn đăng ký thương nhân biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh: 01 (một) bản sao, có xác nhận đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đăng ký thương nhân biên giới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh biên giới ban hành văn bản thông báo về việc thương nhân biên giới được tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới Việt – Trung.

3. Sở Công Thương tỉnh biên giới có trách nhiệm tổng hợp và thông báo danh sách thương nhân biên giới của tỉnh mình đến Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan của Việt Nam và đến các địa phương của Trung Quốc.

4. Thương nhân biên giới đăng ký theo quy định tại Điều này được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (sau đây gọi tắt là Quyết định 52/2015/QĐ-TTg).

Điều 4. Cửa khẩu và khu (điểm) chợ biên giới thực hiện thương mại biên giới

Thương mại biên giới Việt – Trung được thực hiện thông qua:

1. Các cửa khẩu biên giới đất liền được mở theo Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 18 tháng 11 năm 2009.

2. Các khu (điểm) chợ biên giới, bao gồm chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi chung là chợ biên giới) và các đường qua lại biên giới.

Điều 5. Trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới

1. Theo đề nghị của chính quyền địa phương cấp huyện hoặc hiệp hội thương nhân hoặc thương nhân, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá nhu cầu thiết lập khu (điểm) chợ biên giới để phục vụ hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân biên giới.

2. Theo đề xuất của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các thành viên của các Bộ, ngành có liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

3. Trong trường hợp Trưởng Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương trả lời đồng ý bằng văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh/khu của Trung Quốc đề nghị tiến hành thỏa thuận mở các khu (điểm) chợ biên giới, bao gồm các đường qua lại biên giới.

[...]