Dự thảo Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 12/09/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:   /2024/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày    tháng      năm 2024

DỰ THẢO 1

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XE CƠ GIỚI SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG XANH, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe thuần điện (BEV) là xe chỉ được dẫn động bằng hệ thống động lực điện;

2. Xe Hybrid nạp điện ngoài (PHEV) là xe có ít nhất 02 bộ chuyển hóa năng lượng khác nhau và 02 hệ thống tích trữ năng lượng khác nhau (ở trên xe) để tạo ra chuyển động cho xe, trong đó, phải có 01 bộ chuyển hóa năng lượng từ điện và xe phải có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài.

3. Xe điện dùng pin nhiêu liệu (FCEV) là loại xe điện sử dụng khí Hydro nén như là một dạng nhiên liệu cung cấp cho động cơ điện để tạo động lực cho xe.

Chương II

PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Xe cơ giới

Xe cơ giới bao gồm xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự các xe quy định tại Điều này.

1. Xe ô tô gồm: xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc, kéo sơ mi rơ moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện; xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg; xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Xe ô tô được phân loại thành các nhóm sau đây:

a) Nhóm ô tô chở người đến 09 chỗ (kể cả người lái) bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo có tổng số chỗ ngồi trên xe đến 09 chỗ (kể cả người lái). Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Nhóm ô tô chở người từ 10 chỗ (kể cả người lái) trở lên bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo có tổng số chỗ ngồi trên xe từ 10 chỗ (kể cả người lái) trở lên. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Nhóm ô tô chở người chuyên dùng bao gồm các loại ô tô chở người có đặc điểm khác với đặc điểm của các loại ô tô chở người nêu tại khoản a, khoản b Điều này, có kết cấu và trang bị để chở người trong điều kiện đặc biệt hoặc sự sắp xếp người đặc biệt. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Nhóm ô tô tải thông dụng bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng. Ô tô chở hàng có thể bố trí tối đa hai hàng ghế và chở không quá 06 người kể cả người lái trong cabin. Ô tô chở hàng cũng có thể kéo theo một rơ moóc. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Nhóm ô tô tải chuyên dùng bao gồm các loại ô tô chở hàng có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Nhóm ô tô chuyên dùng bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt khác với các loại ô tô nêu tại khoản d, khoản đ Điều 4 Thông tư này. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

[...]