Dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 23/07/2020
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Quân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2020/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2020

DỰ THẢO

 

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐÃ QUA ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.

2. Thông tư này áp dụng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động làm việc ở các ngành, nghề quy định trong Danh mục.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động người từ đủ 15 tuổi trở lên, làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Lao động đã qua đào tạo là:

a) Người đã được cấp chứng nhận đào tạo, chứng chỉ đào tạo; chứng chỉ sơ cấp; bằng tốt nghiệp nghề; bằng tốt nghiệp các trình độ trung cấp (hoặc tương đương), cao đẳng (hoặc tương đương), đại học, sau đại học và các chứng chỉ chuyên môn theo quy định của các luật chuyên ngành hoặc người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

b) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và công nhận tương đương với các trình độ đào tạo của Việt Nam;

c) Người được cấp chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh/thành phố trở lên và người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với trình độ sơ cấp cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo đối với các ngành, nghề được quy định tại Thông tư này theo lộ trình sau: 

a) Danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo 01 được áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2022;

b) Danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo 02 được áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2023;

c) Các ngành nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và các ngành nghề khác được áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2025.

2. Đối với lao động đã được tuyển dụng thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện tự đào tạo hoặc cử người lao động đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo theo trình độ phù hợp đáp ứng yêu cầu theo lộ trình trên.

3. Hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý chủ động rà soát, xem xét, đề xuất thay đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo cho phù hợp với thực tế, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, điều chỉnh. 

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày      tháng      năm 2020.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

[...]