Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Dự thảo Thông tư quy định đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 15/02/2022
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký ***
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

 BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2022/TT-BYT

DỰ THẢO 15.2.22

Hà Nội, ngày       tháng       năm

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN VÀ CÔNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

Căn cứ Luật Khám, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng bệnh viện.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định và hướng dẫn về các hoạt động đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng bệnh viện.

Đối tượng áp dụng:

a) Các bệnh viện công lập và ngoài công lập, viện nghiên cứu có giường bệnh, trung tâm y tế quận, huyện có chức năng khám và điều trị người bệnh nội trú (sau đây gọi chung là bệnh viện).

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất lượng bệnh viện là toàn bộ các hoạt động liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ phục vụ người bệnh, hướng tới sự hài lòng toàn diện của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Các khía cạnh chất lượng gồm khả năng tiếp cận dịch vụ, an toàn, lấy người bệnh là trung tâm, hướng về nhân viên y tế, trình độ chuyên môn, tính kịp thời, tính tiện nghi, công bằng, hiệu quả.

2. Tiêu chuẩn chất lượng là các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật dùng làm cơ sở để đánh giá chất lượng của dịch vụ kỹ thuật hoặc của từng chuyên khoa hoặc của toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động.

3. Tự đánh giá là quá trình rà soát, kiểm tra, khảo sát, đối chiếu… các hoạt động liên quan đến chất lượng của bệnh viện do bệnh viện thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận để xác định mức đạt được của các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng.

4. Đánh giá bên ngoài là quá trình rà soát, kiểm tra, khảo sát, đối chiếu… các hoạt động liên quan đến chất lượng của bệnh viện do cơ quan quản lý thực hiện hoặc tổ chức đánh giá độc lập.

5. Cơ quan quản lý đánh giá là các cơ quan quản lý nhà nước về y tế như Bộ Y tế, Sở Y tế, Cục Y tế trực thuộc các Bộ, ngành thành lập các đoàn thực hiện đánh giá.

6. Tổ chức đánh giá độc lập là quá trình rà soát, kiểm tra, khảo sát, đối chiếu… các hoạt động của bệnh viện do tổ chức đánh giá độc lập được Bộ Y tế phân công hoặc tổ chức đánh giá của nước ngoài thực hiện.

7. Đánh giá viên là người thực hiện trực tiếp nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, khảo sát, đối chiếu… các hoạt động của bệnh viện.

8. Giám sát viên là người kiểm tra, xem xét hoạt động đánh giá do các đánh giá viên và đoàn đánh giá thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo các quy định.

9. Đánh giá chứng nhận chất lượng là hoạt động đánh giá để cung cấp kết quả làm căn cứ cho Bộ Y tế xem xét, chứng nhận mức chất lượng đạt được của bệnh viện.

10. Chứng nhận chất lượng là nhận định, kết quả về mức chất lượng đạt được của bệnh viện do tổ chức trực tiếp thực hiện đánh giá chất lượng.

11. Công nhận chất lượng là sự xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng y tế đối với toàn bộ quá trình và kết quả đánh giá của tổ chức trực tiếp thực hiện đánh giá chất lượng.

Điều 3. Mục đích đánh giá chất lượng

Việc đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng nhằm:

[...]