Thông tư 94/2004/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 158/2004/QĐ-TTg tiếp tục thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động trong năm 2004 đối với Tổng cục Hải quan do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 94/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 01/10/2004
Ngày có hiệu lực 15/01/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 94/2004/TT-BTC NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 158/2004/QĐ-TTG NGÀY 31/8/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHOÁN BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2004 ĐỐI VỚI TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 159/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động trong năm 2003 của Tổng cục Hải quan" và Quyết định số 158/2004/QĐ-TTg ngày 31/ 08/2004 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tiếp tục thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động trong năm 2004 của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính".
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục Hải quan như sau:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính trong năm 2004 từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 đến ngày 31/12/2004.

Không thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp: Viện Nghiên cứu Hải quan, Báo Hải quan, Trường Cao đẳng Hải quan và các Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Các đơn vị này thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.

2. Việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu được qui định tại Điều 2 Quyết định số 159/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Đổi mới cơ chế quản lý biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Hải quan, thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao; tập trung hiện đại hệ thống tin học và trang bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá công nghệ quản lý nhằm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ nhà nước giao.

- Tạo chủ động về nguồn kinh phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng kinh phí để tạo điều kiện đầu tư phát triển ngành, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

- Thực hiện công khai dân chủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức ngành Hải quan.

3. Kinh phí hoạt động của các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan bao gồm: kinh phí được Nhà nước giao khoán; kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các nội dung không khoán chi; nguồn kinh phí được để lại từ thu lệ phí hải quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

4. Tổng Cục Hải quan có trách nhiệm quản lý, sử dụng biên chế, tài sản và các nguồn kinh phí hoạt động được giao theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.

Trường hợp mức kinh phí được giao khoán và số dư các quỹ chưa sử dụng hết trong năm thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

5. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động của từng đơn vị trong hệ thống Hải quan, trong phạm vi số biên chế và mức kinh phí được giao khoán, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định đối tượng, phạm vi, nội dung và phương thức giao khoán đối với các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan cho phù hợp.

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. KHOÁN BIÊN CHẾ:

1. Số biên chế thí điểm giao khoán đối với các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và được tính trong tổng số biên chế được giao của Bộ Tài chính.

2. Trong phạm vi số biên chế được giao khoán, Tổng cục Hải quan được chủ động tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế, tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức, các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm giao khoán biên chế cho các đơn vị thực hiện khoán, đảm bảo tổng số biên chế giao khoán cho các đơn vị thực hiện khoán không được vượt số biên chế Bộ Tài chính giao khoán cho Tổng cục Hải quan.

Ngoài số biên chế được giao khoán, trong thời gian thực hiện khoán, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc và khả năng kinh phí, Tổng cục Hải quan được quyền ký kết hợp đồng lao động ngoài số biên chế được giao khoán nêu trên và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

3. Số biên chế giao khoán cho Tổng cục Hải quan được xem xét điều chỉnh trong trường hợp do thành lập thêm (hoặc sáp nhập) các cơ quan Hải quan tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc được bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

Khi cần thiết phải điều chỉnh biên chế được giao khoán, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để xem xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh số biên chế giao khoán cho phù hợp.

II. KHOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG:

1. Mức kinh phí thí điểm giao khoán cho các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan là 1,6% trên tổng số thu nộp vào ngân sách nhà nước năm 2004 do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện (không bao gồm lệ phí hải quan và thu chống hành vi kinh doanh trái pháp luật).

Bộ Tài chính xác định tổng số thu thực nộp vào ngân sách nhà nước do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện để xác định số kinh phí khoán (theo tỷ lệ khoán) cho Tổng cục Hải quan.

2. Kinh phí hoạt động giao khoán cho Tổng cục Hải quan được chi cho các nội dung sau:

2.1 Chi thường xuyên, bao gồm:

a/ Chi cho con người: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, khen thưởng và phúc lợi tập thể theo chế độ nhà nước quy định, các khoản đóng góp (gồm: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Kinh phí công đoàn) và các khoản thanh toán khác cho cá nhân.

[...]