Thông tư 90/2007/TT-BTC hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các địa phương và các ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao do Bộ Tài chính ban hành.
Số hiệu | 90/2007/TT-BTC |
Ngày ban hành | 25/07/2007 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/2007 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Trần Văn Tá |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/2007/TT-BTC |
Hà nội, ngày 25 tháng 07 năm 2007 |
Căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16
tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01
tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 74/2007/QĐ-TTg ngày 25
tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp
Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các địa phương và các
ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức
bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các
địa phương và các ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao như sau:
1. Các ngày lễ, ngày Tết được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí tổ chức bắn pháo hoa bao gồm:
a) Các ngày lễ, ngày Tết tổ chức bắn pháo hoa hàng năm, gồm: Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng Ba âm lịch).
b) Các ngày lễ tổ chức bắn pháo hoa 5 năm 1 lần vào năm tròn 5, chẵn 10, gồm: Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9), ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07 tháng 5), ngày Chiến thắng - Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4).
c) Các ngày lễ tổ chức bắn pháo hoa 10 năm 1 lần vào năm chẵn 10, gồm: Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Trị trở vào.
2. Các ngày lễ, ngày hội phải huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác (ngoài ngân sách nhà nước) để tổ chức bắn pháo hoa bao gồm:
a) Ngày lễ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 10 năm 1 lần vào năm chẵn 10.
b) Các ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, khu vực và quốc tế.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp, hỗ trợ kinh phí để các địa phương tổ chức bắn pháo hoa theo quy định của pháp luật.
1. Đối với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo:
Nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức bắn pháo hoa quy định tại mục 1 phần I Thông tư này do ngân sách địa phương đảm bảo. Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán nguồn kinh phí ngân sách địa phương đảm bảo cho việc tổ chức bắn pháo hoa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
2. Đối với nguồn kinh phí huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác (ngoài ngân sách nhà nước):
2.1. Lập dự toán kinh phí và phương thức huy động:
a) Căn cứ số lượng ngày lễ, ngày hội được phép bắn pháo hoa; hình thức; thời lượng bắn pháo hoa; số lượng pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 74/2007/QĐ-TTg ngày 25/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) lập dự toán kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương.
b) Căn cứ dự toán kinh phí và điều kiện tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đơn vị được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền thực hiện huy động các nguồn tài chính hợp pháp (không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước), gồm: huy động tài trợ của các tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước theo phương thức tự nguyện hoặc hợp tác 2 bên cùng có lợi theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo kinh phí tổ chức bắn pháo hoa. Số kinh phí huy động được từ các nhà tài trợ được nộp vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Sở Tài chính làm chủ tài khoản.
c) Đối với các ngày lễ, ngày hội quy định tại mục 2 phần I Thông tư này có tổ chức bắn pháo hoa được các tổ chức, cá nhân tài trợ chung kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội (bao gồm cả kinh phí tổ chức bắn pháo hoa) không phải nộp số kinh phí được tài trợ vào tài khoản tiền gửi quy định tại điểm b mục 2.1 phần II Thông tư này.
2.2. Cấp phát, thanh toán từ nguồn huy động:
a) Căn cứ dự toán kinh phí đảm bảo cho việc bắn pháo hoa, số dư tài khoản tiền gửi huy động từ các nhà tài trợ và hợp đồng kinh tế đã ký với đơn vị cung cấp và bắn pháo hoa, Sở Tài chính thực hiện kiểm soát chi và lập uỷ nhiệm chi để thanh toán kinh phí cho đơn vị cung cấp và bắn pháo hoa theo đúng quy định.
Khi thanh toán cho các đơn vị cung cấp và bắn pháo hoa từ nguồn huy động của các nhà tài trợ, Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc nhà nước và các đơn vị liên quan thực hiện ghi thu (mục các khoản huy động đóng góp), ghi chi (mục chi tương ứng) vào ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
b) Trường hợp các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí chung cho công tác tổ chức lễ hội (trong đó bao gồm cả kinh phí tổ chức bắn pháo hoa), Ban tổ chức lễ hội thực hiện thanh toán trực tiếp cho đơn vị cung cấp và bắn pháo hoa theo hợp đồng kinh tế đã ký kết và quyết toán theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp nguồn huy động từ các nhà tài trợ còn dư, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho việc tổ chức bắn pháo hoa và tổ chức lễ hội quy định tại phần I Thông tư này, không sử dụng cho mục tiêu khác.
2.3. Quyết toán kinh phí:
Kinh phí đã chi cho công tác tổ chức bắn pháo hoa quy định tại điểm a khoản 2.2 mục 2 phần II Thông tư này được tổng hợp vào quyết toán ngân sách địa phương theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.