Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 88-VP/TH năm 1958 hướng dẫn thi hành Nghị định 047-TTg ấn định mức lợi suất tiền gửi của tư nhân, tiền gửi tiết kiệm, lợi suất tính vào số dư tài khoản thanh toán, lợi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ngân hàng Quốc gia ban hành

Số hiệu 88-VP/TH
Ngày ban hành 17/03/1959
Ngày có hiệu lực 01/04/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng quốc gia
Người ký Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-VP/TH

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 047-TTG NGÀY 14-02-1959 ẤN ĐỊNH MỨC LỢI SUẤT TIỀN GỬI CỦA TƯ NHÂN, TIỀN GỬI TIẾT KIỆM, LỢI SUẤT TÍNH VÀO SỐ DƯ TÀI KHOẢN THANH TOÁN, LỢI SUẤT CHO VAY NGẮN HẠN CỦA NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

Kính gửi:

- Các vị Bộ trưởng các Bộ
- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành, khu tự trị

 

Ngày 14-02-59, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 047-TTg ấn định biểu lợi suất mới về tiền gửi tư nhân, tiền tiết kiệm lao động và tiền cho vay ngắn hạn của Ngân hàng quốc gia Việt Nam (đã đăng Công báo số 7 ngày 25-02-1959).

Nay Ngân hàng quốc gia Việt Nam ra thông tư này để giải thích những điểm cụ thể cần được chú ý trong khi thi hành.

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC THAY ĐỔI LỢI SUẤT LẦN NÀY

Biểu lợi suất tiền gửi tư nhân, tiền tiết kiệm lao động và cho vay của Ngân hàng ban hành trong thời kỳ khôi phục kinh tế và trong năm 1958 là năm đầu của kế hoạch dài hạn xây dựng kinh tế quốc dân đã có tác dụng đáng kể. Do chính sách huy động tiền nhàn rỗi trong xã hội, Ngân hàng đã tích lũy một số vốn tín dụng ngày càng tăng, số vốn đó đã giúp Nhà nước giải quyết đúng đắn nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các ngành kinh tế quốc dân, góp phần ổn định vật giá và tiền tệ, cải thiện sinh hoạt nhân dân.

Năm nay và nhất là từ sau hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 và khóa họp thứ 9 của Quốc hội, nhiệm vụ trung tâm đựơc đề ra là phát triển và cải tạo kinh tế. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước phải có rất nhiều vốn để giúp đỡ các ngành kinh tế ngày càng phát triển. Mặt khác, chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp công và tư chịu sự quản lý của Nhà nước cũng đòi hỏi phải đấu tranh giảm bớt giá thành, tăng thêm tích lũy, làm cơ sở ổn định thêm một bước vật giá và tiền tệ, có lợi cho quốc kế dân sinh. Phong trào hợp tác hóa đang phát triển, phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp cũng đang trên đà tiến triển rộng rãi.

Dựa trên những cơ sở kinh tế và chính trị thuận lợi nói trên Chính phủ quyết định hạ lợi suất tiền gửi tư nhân, tiền gửi tiết kiệm và tiền cho vay của Ngân hàng, có phân biệt tỷ lệ lợi suất để thúc đẩy việc cải tiến quản lý sản xuất, thúc đẩy thi hành chế độ hạch toán kinh tế, đặng nhanh chóng tăng cường lực lượng kinh tế xã hội chủ nghĩa góp phần vào nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhằm mục đích hoàn thành vượt mức kế hoạch 3 năm của Nhà nước.

II. BIỂU LỢI SUẤT MỚI

Biểu lợi suất này áp dụng thống nhất giữa thành thị và nông thôn, và có mấy điểm cần chú ý:

1. Về tiền gửi tư nhân.

- Có 3 kỳ hạn, coi như gửi gọn lấy gọn theo từng kỳ hạn. Chưa đến kỳ hạn mà rút ra thì tính theo lợi suất của kỳ hạn đã qua. Ví dụ: gửi kỳ hạn 6 tháng, đến 5 tháng rút ra thì tính lợi suất 0,2% một tháng (tức là lợi suất kỳ hạn 3 tháng). Gửi dưới 3 tháng hoặc rút ra trước 3 tháng đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng thì coi như gửi không kỳ hạn, lợi suất 0,1%, lợi tức tiền gửi không kỳ hạn. Nếu gửi không đầy một tháng mà đã rút ra thì không được tính lãi.

- Thể lệ lợi suất mới này áp dụng cho tiền gửi tư nhân không có hình thức gửi lẻ lấy gọn, hình thức này trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các nhà công thương nghiệp tư bản tư doanh không có tác dụng, hướng tiến lên là họ sẽ dần dần đi vào hình thức tư bản Nhà nước thì lúc đó tính chất tiền gửi tư nhân sẽ là tính chất tiền gửi thanh toán, sẽ áp dụng lợi suất tiền gửi như đối với quốc doanh, nghĩa là 0,1% một tháng. Hiện nay định cho họ 0,1% và tiền gửi không kỳ hạn 0,1% là hợp lý.

2. Về tiền gửi tiết kiệm.

Nghị định của Thủ tướng phủ ấn định mức lợi suất chỉ đạo Ngân hàng quốc gia bổ sung thêm về cụ thể như sau:

- Kỳ hạn 6 tháng

(là đối với gửi gọn trả gọn) 0,5% một tháng.

- Kỳ hạn 3 tháng

(là đối với gửi gọn trả gọn) 0,4% một tháng.

- Không kỳ hạn

(là đối với gửi gọn trả gọn) 0,3% một tháng.

Tức là không có kỳ hạn 12 tháng. Sau khi hết kỳ hạn 6 tháng nếu người gửi muốn tiếp tục gửi thì tính một kỳ hạn 6 tháng nữa như là một món tiền gửi mới. Chưa đến hạn mà đã rút ra thì tính lãi theo nguyên tắc áp dụng cho tiền gửi tư nhân.

Còn về tiền tiết kiệm gửi lẻ lấy gọn thì tính lợi suất như sau: Có 2 kỳ hạn:

1. Trên 6 tháng

2. Dưới 6 tháng

0,4% một tháng

0,3% một tháng với điều kiện là phải gửi tối thiểu là 30 ngày ở Ngân hàng.

Hình thức này đối với Nhà nước không có lợi bằng hình thức có kỳ hạn, cho nên mức lãi thấp hơn một bậc. Không có kỳ hạn 3 tháng mà chỉ đặt kỳ hạn dưới 6 tháng, coi như tiền gửi không kỳ hạn, vừa được hợp lý, vừa đơn giản cho kế toán. Nếu gửi kỳ hạn trên 6 tháng mà muốn rút ra trước kỳ hạn 6 tháng thì chỉ có thể hưởng mức lợi tức của kỳ hạn dưới 6 tháng (tức là 0,3%) và coi như là gửi không kỳ hạn.

[...]