Thông tư 86/1999/TT-BTC hướng dẫn việc giải ngân và cơ chế cho vay lại đối với chương trình vay vốn tín dụng của Ba Lan nhằm phát triển ngành Công nghiệp đóng tàu thuỷ Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 86/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 08/07/1999
Ngày có hiệu lực 23/07/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 86/1999/TT-BTC NGÀY 8 THÁNG 7 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC GIẢI NGÂN VÀ CƠ CHẾ CHO VAY LẠI ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH VAY VỐN TÍN DỤNG CỦA BA LAN NHẰM PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐÓNG TẦU THUỶ VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức,
Căn cứ Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài,
Căn cứ Hiệp định ký ngày 6/6/1998 giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ba Lan về việc cung cấp tín dụng (dưới đây gọi tắt là "Hiệp định"),
Căn cứ công văn số 1510/CP-QHQT ngày 12/12/1998 của Chính phủ về cơ chế tài chính để thực hiện các dự án vốn vay của Ba Lan,
Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải ngân và cơ chế cho vay lại đối với Chương trình vay vốn tín dụng của Ba Lan nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng tầu thuỷ Việt Nam như sau:

I. CÁC QUI ĐỊNH CHUNG

1. Khoản tín dụng của Chính phủ Ba Lan cung cấp để thực hiện Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tầu thuỷ Việt Nam là khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ. Vì vậy, toàn bộ tiền vay được hạch toán vào Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ nước ngoài khi đến hạn.

2. Chủ đầu tư Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tầu thuỷ Việt Nam là Tổng Công ty Công nghiệp tầu thuỷ Việt Nam (dưới đây gọi tắt là "VINASHIN") có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, phù hợp với các điều kiện trong Hiệp định. VINASHIN chịu trách nhiệm nhận nợ và hoàn trả cho Ngân sách nhà nước theo đúng Hợp đồng vay lại ký với Tổng cục Đầu tư Phát triển và các qui định tại Thông tư này.

3. Tổng cục Đầu tư phát triển chịu trách nhiệm thực hiện việc cho vay lại, quản lý và thu hồi nợ đối với Chủ đầu tư và được hưởng phí cho vay lại nguồn vốn tín dụng nhà nước quy định hiện hành.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Các điều kiện vay chính theo Hiệp định:

- Tổng trị giá vay theo cam kết tại Hiệp định là 70 triệu USD dùng để thanh toán 90% trị giá các hợp đồng thương mại ký giữa VINASHIN và đối tác Ba Lan để đóng tầu hoặc cung cấp máy móc, trang thiệt bị nhằm hiện đại hoá các nhà máy đóng tầu tại Việt Nam. Khoản đặt cọc 10% trị giá các hợp đồng thương mại do VINASHIN thu xếp và thanh toán theo phương thức chuyển tiền cho đối tác Ba Lan trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng thương mại có hiệu lực.

- Thời gian vay và lãi suất vay:

+ Đối với phần tín dụng hiện đại hoá nhà máy đóng tầu: 15,5 năm trong đó có 5 năm ân hạn trả gốc vay và lãi suất vay là 4,75%/năm.

+ Đối với phần tín dụng cho việc mua tầu đóng tại Ba Lan hoặc mua vật tư thiết bị để đóng tầu tại Việt Nam: 13,5 năm trong đó có 3 năm ân hạn trả gốc vay và lãi suất vay là 5%/năm.

Phù hợp với thời hạn vay trên, việc trả nợ gốc sẽ được thanh toán thành 21 khoản bán niên liên tục. Khoản trả nợ gốc đầu tiên được thực hiện như sau:

+ Đối với phần tín dụng hiện đại hoá nhà máy đóng tầu: 5 năm sau ngày cấp Giấy chứng nhận đã nhận hàng (Certificate of Receipt).

+ Đối với phần tín dụng cho việc mua tầu đóng tại Ba Lan: 3 năm sau ngày cấp Giấy chứng nhận bàn giao từng phần (Certificate of Receipt for each phase of the shipbuilding process).

+ Đối với phần tín dụng cho việc mua vật tư thiết bị để đóng tầu tại Việt Nam: 3 năm sau ngày cấp các chứng từ vận chuyển có liên quan (Bill of Lading, Airway Bill).

- Lãi phạt chậm trả: Bằng mức lãi suất nói ở điểm trên cộng thêm tỷ lệ 1,5%/năm.

- Khoản tín dụng theo Hiệp định được sử dụng trước ngày 31/12/2000 và có thể được gia hạn theo sự thoả thuận của hai Chính phủ.

2. Cơ chế cho vay lại nguồn tín dụng của Chính phủ Ban Lan:

Chính phủ thông qua Bộ Tài chính cho VINASHIN vay lại toàn bộ 70 triệu USD vay của Chính phủ Ban Lan. Bộ Tài chính uỷ nhiệm cho hệ thống Tổng cục đầu tư phát triển thực hiện việc cho VINASHIN vay lại, quản lý và thu hồi nợ vay.

Lãi suất và thời gian cho VINASHIN vay lại theo đúng các điều kiện vay của Ba Lan nên trong điểm 1 phần II trên đây.

Lãi phạt chậm trả bằng mức lãi phạt chậm trả trong Hiệp định tín dụng nêu tại điểm 1 phần II trên đây.

Tổng cục đầu tư phát triển chịu trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay, thu hồi vốn cho vay lại từ VINASHIN. Tổng cục Đầu tư phát triển được thu phí cho vay lại trực tiếp từ VINASHIN theo tỷ lệ 0,2%/năm trên số dư nợ gốc.

Sau khi hợp đồng thương mại ký giữa VINASHIN và đối tác Ba Lan được phê duyệt theo quy định, VINASHIN phải tiến hành ký Hợp đồng tín dụng vốn nước ngoài với Tổng cục Đầu tư phát triển về việc vay lại vốn vay Ba Lan theo từng hợp đồng thương mại hoặc theo từng dự án, Hợp đồng tín dụng đã ký và các khế ước nhận nợ là cơ sở để VINASHIN chính thức nhận nợ với Ngân sách nhà nước và thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo đúng các điều khoản cam kết trong Hợp đồng tín dụng vốn nước ngoài.

Chứng từ để ký các khế ước nhận nợ cụ thể giữa VINASHIN và Tổng cục đầu tư phát triển là các chứng từ ghi thu ghi chi các khoản rút vốn vay nước ngoài qua Ngân sách nhà nước. Thời điểm VINASHIN nhận nợ với Ngân sách nhà nước là thời điểm Ngân hàng Ba Lan ghi nợ cho Chính phủ Việt Nam.

3. Tổ chức điều hành và thực hiện Chương trình vay tín dụng của Chính phủ Ba Lan theo Hiệp định tín dụng:

Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tầu thuỷ Việt Nam sử dụng nguồn vốn tín dụng của Chính phủ Ba Lan (dưới đây gọi tắt là "Chương trình") là một Chương trình đồng bộ có mục tiêu, bao gồm nhiều dự án chi tiết (dưới đây gọi tắt là các "Dự án") như nâng cấp các nhà máy đóng tầu, lắp bể thử mô hình, các dây chuyền đóng tầu cá, đóng các loại tầu chuyên dụng...

[...]