BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
84-TC/CĐKT
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1993
|
THÔNG TƯ
SỐ 84-TC/CĐKT NGÀY 23-10-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CÔNG TÁC KẾ TOÁN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thi hành Luật đầu tư nước ngoài
tại Việt Nam và Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ quy định chi tiết
việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Tài chính hướng dẫn việc
thực hiện công tác kế toán trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các
bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động dưới các hình thức
quy định trong Luật đầu tư như sau:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Tất cả các xí nghiệp liên
doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, bên nước ngoài hợp doanh và xí nghiệp chế
xuất (dưới đây gọi tắt là xí nghiệp) hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam phải thực hiện công tác kế toán theo Pháp lệnh kế toán - thống
kê ngày 10-5-1988 và theo những quy định của Thông tư này.
2. Công tác kế toán của các xí
nghiệp phải đảm bảo tính trung thực, hợp lệ, chính xác, kịp thời và liên tục
trong việc:
- Phản ánh số hiện có và tình
hình biến động của các loại tài sản, tiền vốn và nguồn vốn hình thành vốn kinh
doanh.
- Phản ánh các khoản chi phí,
giá thành sản phẩm, dịch vụ, các khoản doanh thu và lợi tức hoạt động kinh
doanh của xí nghiệp.
- Phản ánh tình hình thực hiện
các luật thuế Việt Nam và các nghĩa vụ khác theo giấy phép đầu tư.
3. Xí nghiệp thực hiện công tác
kế toán theo chế độ kế toán hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam hoặc có thể theo một chế độ kế toán khác do xí nghiệp tự chọn nhưng phải
tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc kế toán quốc tế phổ biến và được Bộ Tài
chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
4. Các xí nghiệp phải trình Bộ
Tài chính hồ sơ đăng ký chế độ kế toán bao gồm:
4.1. Công văn đăng ký chế độ kế
toán (theo mẫu phụ lục số 1).
4.2. Giấy phép đầu tư (bản sao).
4.3. Nếu áp dụng chế độ kế toán
Việt Nam thì phải xác định rõ chế độ kế toán của ngành hoạt động (công nghiệp,
XDCB, thương nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ...).
4.4. Nếu áp dụng chế độ kế toán
nước ngoài cần phải gửi kèm theo các tài liệu sau:
- Bảng kê chứng từ kế toán áp dụng,
kèm theo mẫu chứng từ.
- Bảng kê tài khoản kế toán áp dụng,
kèm theo giải thích về nội dung, phương pháp ghi chép của tài khoản, giải thích
về mối quan hệ giữa các tài khoản: sơ đồ kế toán tổng quát về sử dụng hệ thống
tài khoản.
- Danh mục sổ kế toán, kèm theo
mẫu sổ, giải thích phương pháp ghi chép và mối quan hệ giữa các loại sổ.
- Danh mục báo cáo kế toán, kèm
theo mẫu, giải thích phương pháp ghi các chỉ tiêu trong báo cáo.
4.5. Chứng chỉ về nghiệp vụ kế
toán của kế toán trưởng.
5. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ
ngày xí nghiệp được cấp giấy phép đầu tư, xí nghiệp phải gửi hồ sơ đăng ký chế
độ kế toán đến Bộ Tài chính. Nếu vì lý do nào đó, xí nghiệp chưa thể đăng ký chế
độ kế toán được thì phải gửi công văn cho Bộ Tài chính nêu rõ lý do.
6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được hồ sơ đăng ký chế độ kế toán của xí nghiệp, Bộ Tài chính sẽ có ý
kiến chính thức bằng văn bản đối với chế độ kế toán đó.
Trường hợp hồ sơ đăng ký chế độ
kế toán của xí nghiệp không đầy đủ, không rõ ràng, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu xí
nghiệp giải thích và cung cấp thêm tài liệu cần thiết về chế độ kế toán đã đăng
ký. Thời gian chờ xí nghiệp giải thích và cung cấp thêm tài liệu không tính vào
thời hạn trả lời của Bộ Tài chính đã nêu ở trên.
7. Xí nghiệp hoạt động trong các
khu chế xuất tại Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký chế độ kế toán sẽ áp dụng cho Ban
quản lý khu chế xuất nơi xí nghiệp hoạt động theo các nội dung quy định ở điểm
4, 5 nêu trên.
8. Bên nước ngoài tham gia hợp đồng
hợp tác kinh doanh tại Việt Nam thực hiện công tác kế toán theo chế độ kế toán
đang áp dụng và phải đăng ký chế độ kế toán đó với Bộ Tài chính theo quy định tại
điểm 3 nêu trên. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, thanh lý hợp đồng và tranh
chấp hợp đồng sau này phải có đủ tài liệu kế toán cần thiết về các hoạt động tại
Việt Nam để các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và xử lý tranh chấp theo luật
định.
9. Trong quá trình hoạt động,
các xí nghiệp có thể thay đổi chế độ kế toán đang áp dụng. Trong trường hợp này
xí nghiệp phải trình bày rõ lý do thay đổi và làm thủ tục đăng ký lại và phải
được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi chuyển đổi. Việc thay đổi chế độ kế toán
chỉ thực hiện ở đầu niên độ kế toán.
10. Công tác kế toán của các xí
nghiệp phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính Việt Nam.
11. Việc ghi chép trên chứng từ
kế toán, sổ và báo cáo kế toán của xí nghiệp được thực hiện bằng chữ số ả rập
và bằng tiếng Việt Nam và một tiếng nước ngoài thông dụng được Bộ Tài chính chấp
thuận và phải được ghi trong Điều lệ của xí nghiệp.
12. Việc ghi chép kế toán, về
giá trị, sử dụng đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam hoặc có thể sử dụng một đơn vị
tiền tệ nước ngoài do xí nghiệp đề nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận. Trường
hợp trên chứng từ kế toán ghi bằng đơn vị tiền tệ khác thì phải quy đổi ra đơn
vị tiền tệ đã chọn theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại
thời điểm phát sinh nghiệp vụ.
Về hiện vật, phải sử dụng các
đơn vị đo lường chính thức ở Việt Nam. Trường hợp trên chứng từ kế toán đã được
ghi bằng đơn vị đo lường khác thì phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức để
ghi chép kế toán.
13. Niên độ kế toán của xí nghiệp
tính theo năm dương lịch, bắt đầu ngày 1-1 và kết thúc ngày 13-12.
Kỳ kế toán trong niên độ kế toán
là:
- Tháng, tính từ ngày 01 đến hết
ngày cuối cùng của tháng.
- Quý, tính từ ngày 01 tháng đầu
quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý.
Việc áp dụng niên độ kế toán
khác phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Niên độ kế toán đầu tiên của xí
nghiệp được tính từ ngày xí nghiệp được cấp giấy phép đầu tư đến hết ngày cuối
của niên độ kế toán đó.
14. Xí nghiệp phải có bộ máy kế
toán độc lập và bố trí đủ cán bộ kế toán theo chức danh tiêu chuẩn quy định cho
cán bộ kế toán. Cán bộ kế toán được đảm bảo quyền độc lập về chuyên môn nghiệp
vụ. Đứng đầu bộ máy kế toán là kế toán trưởng do Hội đồng quản lý lựa chọn và bổ
nhiệm. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác kế toán, thống
kê, phân tích hoạt động kinh tế, đồng thời có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát kinh
tế tài chính ở xí nghiệp.
Kế toán trưởng và cán bộ kế toán
của xí nghiệp phải là những người được đào tạo về chuyên ngành tài chính kế
toán và có chứng chỉ hoặc văn bằng tốt nghiệp hợp lệ về chuyên ngành này.
15. Số liệu, tài liệu kế toán là
căn cứ pháp lý để đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện
nghĩa vụ với Nhà nước Việt nam và các bên đầu tư, liên doanh của xí nghiệp.
II. NHỮNG QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
1. Công tác kế toán của xí nghiệp
gồm các nội dung: lập, luân chuyển và xử lý chứng từ ban đầu; ghi sổ kế toán (sổ
kế toán tổng hợp và chi tiết); lập báo cáo kế toán; thực hiện kiểm soát nội bộ
và lưu trữ tài liệu kế toán.
2. Chứng từ kế toán:
Chứng từ kế toán gồm chứng từ gốc
và chứng từ ghi sổ. Chứng từ gốc là căn cứ pháp lý phản ánh các nghiệp vụ kinh
tế tài chính đã thực hiện. Chứng từ ghi sổ là căn cứ ghi sổ kế toán.
Mọi hoạt động kinh tế phát sinh ở
xí nghiệp đều phải lập chứng từ ban đầu (chứng từ gốc). Chứng từ ban đầu được lập
một lần cho một nghiệp vụ và phải đảm bảo tính trung thực, hợp lệ, hợp pháp, hợp
lý phản ánh các nội dung kinh tế tài chính phát sinh ở xí nghiệp và phải theo
đúng mẫu biểu quy định của Nhà nước.
- Nếu áp dụng hệ thống chứng từ
của nước ngoài, phải theo đúng mẫu đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận.
Riêng mẫu chứng từ về hoá đơn bán hàng, xí nghiệp phải sử dụng mẫu in sẵn do Bộ
Tài chính phát hành. Trường hợp sử dụng mẫu hoá đơn bán hàng do xí nghiệp tự in
phải đăng ký với cơ quan thuế Việt Nam và phải được cơ quan thuế chấp thuận trước
khi thực hiện.
- Các chứng từ kế toán phải là bản
gốc, không sử dụng bản sao.
3. Xí nghiệp chỉ được sử dụng hệ
thống tài khoản kế toán và hệ thống sổ kế toán theo đúng các nội dung đã đăng
ký và được chấp thuận.
Mỗi xí nghiệp chỉ có một hệ thống
sổ kế toán chính thức, đảm bảo tính pháp lý và thống nhất của hệ thống sổ.
Sổ kế toán gồm: sổ nhật ký, sổ kế
toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Xí nghiệp căn cứ vào hệ thống tài khoản kế
toán, các chế độ kế toán và yêu cầu quản lý của xí nghiệp mở đủ các sổ kế toán
cần thiết.
Ghi sổ kế toán phải căn cứ vào
chứng từ kế toán hợp lệ của xí nghiệp: phải đảm bảo tính cập nhật của số kế
toán theo kỳ kế toán và niên độ kế toán; đảm bảo tính liên tục của sổ kế toán;
đảm bảo nguyên tắc khoá sổ kế toán.
Nội dung phản ảnh trên sổ phải
theo đúng chế độ tài chính và chế độ thuế quy định đối với các đơn vị có vốn đầu
tư nước ngoài.
4. Xí nghiệp phải lập báo cáo kế
toán theo đúng chế độ báo cáo kế toán đã đăng ký và được chấp thuận. Báo cáo kế
toán phải đảm bảo tính trung thực, chính xác về số liệu của các chỉ tiêu trên
báo cáo.
Báo cáo kế toán của xí nghiệp gồm:
4.1. Bảng cân đối kế toán (Bảng
tổng kết tài sản): phản ánh giá trị và kết cấu các loại vốn, nguồn vốn của xí
nghiệp vào cuối kỳ kế toán và cuối niên độ kế toán.
4.2. Báo cáo lợi tức: phản ánh
các khoản doanh thu, chi phí hợp lý và lợi tức hoạt động kinh doanh của xí nghiệp
cũng như các khoản lãi lỗ đặc biệt khác trong một kỳ kế toán và một niên độ kế
toán.
4.3. Báo cáo của Hội đồng quản
trị (hoặc ban giám đốc) xí nghiệp: nêu rõ thực trạng tình hình hoạt động và kết
quả hoạt động của xí nghiệp, tình hình phân phối và sử dụng lợi tức kinh doanh;
các kiến nghị về hoạt động kinh doanh của xí nghiệp.
Trường hợp một trong hai bên
liên doanh yêu cầu lập, báo cáo kế toán chuyển đổi (từ báo cáo theo chế độ kế
toán Việt nam sang báo cáo theo chế độ kế toán nước ngoài và ngược lại) xí nghiệp
có trách nhiệm lập báo cáo chuyển đổi gửi cho bên có yêu cầu.
5. Nơi nhận báo cáo kế toán:
- Đối với xí nghiệp 100% vốn nước
ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải gửi báo cáo kế
toán cho Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và cơ quan thuế địa phương nơi xí
nghiệp đặt trụ sở chính.
- Đối với xí nghiệp liên doanh
phải gửi báo cáo kế toán cho Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, cơ quan thuế
địa phương nơi xí nghiệp đặt trụ sở chính và các bên góp vốn liên doanh.
- Đối với xí nghiệp hoạt động
trong khu chế xuất, phải gửi báo cáo kế toán cho Ban quản lý khu chế xuất, cơ
quan thuế khu chế xuất và các bên góp vốn liên doanh.
6. Thời hạn nộp báo cáo kế toán:
- Báo cáo quý trong vòng 30 ngày
sau khi kết thúc quý báo cáo.
- Báo cáo năm: trong vòng 3
tháng sau khi kết thúc niên độ báo cáo.
7. Báo cáo kế toán hàng năm của
xí nghiệp phải được một công ty kiểm toán độc lập xác nhận trước khi gửi các cơ
quan nêu ở điểm 5 phần II.
Xí nghiệp được chỉ định các công
ty kiểm toán độc lập được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để kiểm toán báo cáo
kế toán của xí nghiệp.
Trường hợp xí nghiệp muốn chỉ định
một công ty kiểm toán độc lập nước ngoài chưa được phép hoạt động ở Việt Nam
thì phải tuân thủ các điều kiện dưới đây:
- Đối với các xí nghiệp 100% vốn
nước ngoài và các bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải
thông báo cho Bộ Tài chính biết Công ty kiểm toán được chỉ định để Bộ Tài chính
xem xét, chấp thuận và phải chịu trách nhiệm nộp thay số thuế mà Công ty kiểm
toán nước ngoài phải nộp cho Nhà nước Việt Nam theo Luật định về hoạt động này
tại Việt Nam.
- Đối với các xí nghiệp liên
doanh: Công ty kiểm toán được chỉ định phải phối hợp với một công ty kiểm toán
Việt Nam cùng thực hiện kiểm toán. Kết quả kiểm toán chỉ có giá trị pháp lý khi
hai bên cùng nhất trí. Trường hợp Công ty kiểm toán Việt Nam từ chối thì Công
ty kiểm toán nước ngoài được chỉ định sẽ thực hiện kiểm toán cho xí nghiệp, sau
khi có thông báo và được Bộ Tài chính chấp thuận.
8. Công ty kiểm toán phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về tính độc lập, khách quan, trung thực của kết quả
kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán được đính kèm
với báo cáo kế toán của xí nghiệp. Báo cáo kiểm toán phải nhận xét, đánh giá về
các nội dung sau đây:
- Tính trung thực, hợp lý của số
liệu kế toán trên báo cáo kế toán của xí nghiệp.
- Tình hình thực hiện công tác kế
toán của xí nghiệp; chấp hành thể lệ, chế độ kế toán. - kiến nghị.
9. Xí nghiệp phải thực hiện kiểm
kê tài sản khi kết thúc niên độ kế toán để xác định số thực có và hiện trạng
tài sản của xí nghiệp.
10. Tài liệu kế toán gồm: chứng
từ, sổ, báo cáo kế toán và các tài liệu khác có liên quan đến kế toán. Các tài
liệu này phải được bảo quản an toàn trong quá trình sử dụng. Tài liệu kế toán
được lưu trữ theo niên độ và theo từng loại. Tài liệu kế toán lưu trữ phải là bản
gốc và lưu tại xí nghiệp trong thời hạn tối thiểu là 10 năm.
Xí nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài nếu không chấp hành hoặc vi phạm các quy định nói trên thì phải xử lý
theo quy định của Pháp lệnh kế toán thống kê ngày 10-5-1988.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này thay thế Thông tư số
46-TC-CĐTC ngày 21-10-1989 của Bộ Tài chính và hiệu lực kể từ ngày ký. Các xí
nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định trong Thông tư này.
Các cơ quan thuế địa phương, Ban quản lý các khu chế xuất chịu trách nhiệm hướng
dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các xí nghiệp thuộc diện quản lý của mình theo quy định
của thông tư này.
PHỤ LỤC 01
MẪU CÔNG VĂN ĐĂNG KÝ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN
... Ngày ... tháng ... năm
Kính
gửi: Bộ Tài chính
(Vụ
chế độ kế toán và kiểm tra kế toán)
- Căn cứ Luật đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ nghị định số 18-CP
ngày 16-4-1993 của Chính phủ Việt Nam quy định về thực hiện Luật đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ quy định của Bộ Tài
chính về thực hiện chế độ kế toán đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài tại TT số ... ngày ... năm 1993;
Tên Công ty ... Ngành hoạt động
...
Theo giấy phép đầu tư số ...
ngày ... tháng ...năm 199
Xin đăng ký sử dụng chế độ kế
toán theo các nội dung sau:
1. Chế độ kế toán áp dụng: (Việt
Nam hay nước ngoài) của ngành hoạt động ... (công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp,
dịch vụ ...).
- Hệ thống chứng từ từ ban đầu
...
- Hệ thống tài khoản ...
- Hệ thống sổ kế toán ...
- Hệ thống báo cáo kế toán ...
2. Ngôn ngữ sử dụng trong kế
toán: tiếng Việt và ...
3. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong
kế toán ...
4. Đơn vị đo lường sử dụng trong
kế toán: theo hệ thống chính thức áp dụng tại Việt Nam.
5. Niên độ kế toán áp dụng: Từ
... đến ...
Xin đề nghị Bộ Tài chính xem xét
chấp thuận.
Giám đốc
(ký tên và đóng dấu)
Nơi nhận
- Như trên
- Lưu tại đơn vị.