THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 81-TC/HSCN NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 1996 HƯỚNG
DẪN QUẢN LÝ SỬ DỤNG NGUỒN THU QUẢNG CÁO ĐỂ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH TRUYỀN HÌNH
VIỆT NAM
Thực hiện Quyết định số 605/TTg,
ngày 31 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ "về việc cho phép ngành
truyền hình được sử dụng nguồn thu từ quảng cáo để phát triển ngành", sau khi
thống nhất với Đài truyền hình Trung ương; Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử
dụng nguồn thu này như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Thu từ hoạt động dịch vụ quảng
cáo trên truyền hình là nguồn thu của ngân sách Nhà nước được Chính phủ cho
phép ngành Truyền hình quản lý và sử dụng để đầu tư phát triển ngành. Các khoản
thu nói trên sau khi trừ chi phí hợp lý, số còn lại phải nộp vào ngân sách Nhà
nước và được cấp lại để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật
theo dự toán được duyệt hàng năm, nằm trong "Quy hoạch phát triển ngành
Truyền hình Việt Nam đến năm 2000 và những năm sau" đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
2. Ngành Tài chính (Bộ Tài
chính, Sở Tài chính - Vật giá, Cục đầu tư phát triển các địa phương) cấp phát đầy
đủ, kịp thời số kinh phí đã thu từ quảng cáo trên truyền hình để thực hiện các
dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Ngành Truyền hình Việt Nam
(Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài Phát thanh - Truyền hình các địa phương) chịu
trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng với chế độ Nhà nước quy định, có hiệu quả,
đúng nội dung, mục đích phần kinh phí thu từ Quảng cáo được đầu tư trở lại để
phát triển ngành.
II. NHỮNG QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nội dung thu chi:
a. Về thu:
- Nội dung thu quảng cáo: Nội
dung thu dịch vụ thông tin quảng cáo của ngành Truyền hình là toàn bộ các khoản
doanh thu từ hoạt động dịch vụ này.
- Mức giá thu quảng cáo: Căn cứ
quy định về quản lý giá của Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam hướng dẫn mức
thu giá thu quảng cáo trên truyền hình cho phù hợp với tình hình hoạt động của
đài Trung ương và các Đài địa phương.
b. Về chi:
Nội dung chi: Nội dung chi phí dịch
vụ quảng cáo gồm các khoản chi sau:
b.1. Chi sản xuất và nâng cao chất
lượng công trình hoặc mua chương trình: Là khoản chi để sản xuất các chương
trình quảng cáo, chi hỗ trợ nâng cao chất lượng chương trình truyền hình để thu
hút quảng cáo, mua ảnh, tư liệu, phim thể thao và văn hoá nghệ thuật để lồng
ghép các chương trình quảng cáo trên truyền hình đạt hiệu quả tốt...
b.2. Chi tuyên truyền quảng cáo:
Là khoản chi cho việc in ấn tranh, ảnh, tài liệu, áp phích quảng cáo truyền
hình, chi trực tiếp để tạo nguồn cung cấp quảng cáo trên truyền hình.
b.3. Chi mua sắm vật tư, sửa chữa
nhỏ: Là khoản chi cho việc mua sắm linh kiện, vật tư, phim băng, thiết bị lẻ, sửa
chữa nhỏ, bảo dưỡng thiết bị phục vụ trực tiếp cho dây truyền sản xuất các
chương trình quảng cáo trên truyền hình.
b.4. Chi cước phát sóng: Là khoản
chi trả cước phát sóng theo thời lượng phát sóng quảng cáo trên truyền hình.
b.5. Chi phí quản lý: Là khoản
chi cho bộ máy quản lý làm tăng nguồn thu quảng cáo trên truyền hình.
b.6. Thuế doanh thu được tính
trên doanh thu với thuế xuất theo luật định.
b.7. Chi khác
- Mức chi: Căn cứ vào các chế độ
hiện hành và chi phí thực tế, Bộ Tài chính thống nhất với Đài Truyền hình Việt
Nam về quy định tạm thời mức chi phí (%) trên doanh thu cho dịch vụ quảng cáo
trên truyền hình để các Đài phát thanh - Truyền hình trong cả nước theo 9 khung
mức chi (bao gồm cả thuế doanh thu) như sau:
+ Doanh thu dưới 100 triệu đồng
50%
+ Từ 100 triệu đến 300 triệu đồng
48%
+ Trên 300 triệu đồng đến 500
triệu đồng 46%
+ Trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng
45%
+ Trên 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng
43%
+ Trên 5 tỷ đến 25 tỷ đồng 41%
+ Trên 25 tỷ đến 70 tỷ đồng 38%
+ Trên 70 tỷ đến 100 tỷ đồng 35%
+ Trên 100 tỷ đồng 32%
Mức chi này là mức chi có tính
chất khống chế tối đa được áp dụng từ 1 tháng 9 năm 1996 và thực hiện thí điểm
trong năm 1997, cuối năm 1997 Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh lại mức chi để
áp dụng cho năm 1998 và các năm tiếp theo. Các khoản chi phải được hạch toán
theo thực tế, đúng chế độ tài chính hiện hành có đầy đủ chứng từ theo quy định
nhưng không được vượt mức khống chế trên. Trường hợp đặc biệt Bộ Tài chính sẽ
bàn với Đài Truyền hình Việt Nam để điều chỉnh.
c. Nguồn thu quảng cáo truyền
hình để đầu tư lại cho ngành, bao gồm:
- Thuế doanh thu tính trên doanh
thu quảng cáo theo thuế suất quy định của luật thuế hiện hành.
- Thuế lợi tức
(35% x lợi tức chịu thuế).
- Lợi tức sau thuế còn lại.
d. Cơ chế sử dụng nguồn thu từ
quảng cáo truyền hình:
- Toàn bộ số thu trên phải nộp
100% vào ngân sách Nhà nước:
+ Thuế doanh thu, thuế lợi tức nộp
vào Ngân sách Nhà nước và điều tiết cho các cấp ngân sách theo tỷ lệ điều tiết
của các địa phương.
+ Phần lợi tức còn lại sau khi nộp
thuế lợi tức và trừ khoản chi khuyến khích người lao động (tối đa bằng 3 tháng
lương cơ bản thực tế thực hiện bình quân) phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước
theo quy định mục lục ngân sách Nhà nước (điều tiết 100% cho ngân sách địa
phương đối với các Đài truyền hình địa phương, điều tiết 100% cho ngân sách
Trung ương đối với Đài truyền hình Trung ương)
- Sử dụng tiền thu quảng cáo
truyền hình:
+ Địa phương cân đối ngân sách để
đầu tư trở lại cho các dự án phát triển của truyền hình địa phương được cấp có
thẩm quyền duyệt trên cơ sở các nguồn:
* Thu về thuế doanh thu, lợi tức
theo tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng do Đài truyền hình địa
phương nộp.
* 100% số lợi tức còn lại sau
khi nộp thuế lợi tức và trừ đi khoản chi phí khuyến khích người lao động (tối đa
bằng 3 tháng lương cơ bản thực tế thực hiện bình quân) của Đài truyền hình địa
phương.
+ Trung ương cân đối ngân sách để
đầu tư trở lại cho các dự án phát triển của Truyền hình Trung ương và một số
Đài truyền hình khu vực được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ nguồn:
* Thu về thuế doanh thu, lợi tức
phần điều tiết ngân sách Trung ương theo tỷ lệ quy định do Đài Trung ương nộp.
* 100% số lợi tức còn lại sau
khi nộp thuế lợi tức và sau khi trừ đi khoản chi phí khuyến khích người lao động
(tối đa bằng 3 tháng lương cơ bản thực tế thực hiện bình quân) của Đài truyền
hình Trung ương.
+ Toàn bộ số thuế doanh thu, thuế
lợi tức của các Đài truyền hình địa phương nộp phần điều tiết về ngân sách
Trung ương; toàn bộ thuế doanh thu, thuế lợi tức của Đài truyền hình Trung ương
nộp phần điều tiết về ngân sách địa phương được cấp lại để đầu tư phát triển
ngành truyền hình theo các dự án được cấp có thẩm quyền duyệt ở các tỉnh miền
núi, tây nguyên và một số tỉnh thực sự có khó khăn.
2. Công tác kế hoạch:
a. ở địa phương: hàng năm, Đài
Phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành lập
dự toán thu, chi ngân sách theo luật ngân sách Nhà nước, đồng thời phải lập dự
toán và thuyết minh chi tiết các khoản thu, chi phí của hoạt động dịch vụ thông
tin quảng cáo, các dự án đầu tư phát triển có sử dụng nguồn thu từ quảng cáo
trên truyền hình gửi Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và đầu tư các tỉnh,
thành phố để cân đối và dự toán thu chi ngân sách của tỉnh và báo cáo cấp có thẩm
quyền phê duyệt đồng thời gửi cho Đài Truyền hình Việt Nam để tổng hợp vào kế
hoạch các dự án phát triển ngành truyền hình.
b. ở Trung ương: Cùng với việc lập
dự toán ngân sách hàng năm, quý, theo quy định chung của Nhà nước, Đài Truyền
hình Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi của hoạt động quảng cáo
toàn ngành (trong đó chia ra Đài truyền hình Trung ương và từng Đài truyền hình
tỉnh, thành phố) và các dự án đầu tư theo quy hoạch phát triển của ngành truyền
hình, có sử dụng nguồn thu quảng cáo của các Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh,
thành phố, báo cáo Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối vào dự toán
thu, chi ngân sách Nhà nước và tổng hợp vào dự toán hàng năm trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
3. Quản lý, cấp phát khoản thu từ
quảng cáo truyền hình:
Các Đài Phát thanh - truyền hình
khi thu phải sử dụng chứng từ hoá đơn do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát
hành.
Tất cả các khoản chi tiêu phải
thực hiện đúng dự toán được duyệt và đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của
Nhà nước. Những dự án chi có tính chất xây dựng cơ bản được áp dụng theo Nghị định
số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ "Về việc ban hành Điều lệ
quản lý đầu tư và xây dựng"; Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của
Chính phủ "Về việc ban hành quy chế đấu thầu" và các văn bản hướng dẫn
Nghị định.
Căn cứ vào dự toán thu, chi của
hoạt động quảng cáo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đài Truyền hình Việt
Nam, các Đài Phát thanh - Truyền hình các địa phương chịu trách nhiệm phân bổ kế
hoạch thu, chi và giao nhiệm vụ thu - chi cho từng đơn vị trực thuộc theo các dự
án đầu tư hàng năm.
Ngành Tài chính (Bộ Tài chính, Sở
Tài chính- Vật giá , Cục đầu tư phát triển các địa phương, cơ quan Kho bạc Nhà
nước), căn cứ vào số thu nộp từ hoạt động quảng cáo trên truyền hình của Đài Truyền
hình Việt Nam, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố, sau khi có xác
nhận của Kho bạc Nhà nước và có đầy đủ các thủ tục sẽ tiến hành cấp phát lại
khoản thu nói trên theo dự án được duyệt và tiến độ thực hiện công việc của Đài
Trung ương và các Đài địa phương.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài
Phát thanh - truyền hình các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài
chính, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố và cơ quan thuế các cấp để kiểm
tra các khoản thu, việc sử dụng và quản lý các khoản thu từ hoạt động thông tin
quảng cáo nhằm phát triển toàn ngành truyền hình theo quy hoạch đã được Chính
phủ phê duyệt.
4. Chế độ kế toán và báo cáo quyết
toán:
Đài Truyền hình Việt Nam, các
Đài phát thanh - Truyền hình địa phương phải tổ chức công tác hạch toán kế toán
về dịch vụ quảng cáo theo quy định hiện hành.
Việc xét duyệt, thẩm tra quyết
toán hàng năm đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn quảng cáo thực hiện theo
quy định tại Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ và các văn bản hướng
dẫn thi hành Nghị định.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư có hiệu lực thi hành từ
ngày 1 tháng 9 năm 1996.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để bổ sung sửa đổi kịp thời.