Thông tư 81/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 81/2019/TT-BCA
Ngày ban hành 27/12/2019
Ngày có hiệu lực 12/02/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/2019/TT-BCA

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 7 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng và Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

2. Thông tư này áp dụng đối với các trại tạm giam, nhà tạm giữ do lực lượng Công an nhân dân quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở giam giữ); sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an (sau đây viết tắt là cán bộ, chiến sĩ); người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

1. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện đầy đủ các quyền công dân khác không bị pháp luật hạn chế hoặc tước bỏ.

2. Xây dựng cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân đúng quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quy định của Bộ Công an về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; vi phạm quy định về quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những nội dung phải công khai

1. Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

2. Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.

4. Quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự.

[...]