Thông tư 8-NH/TT-1985 về việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền 14-9-1985 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 8-NH/TT
Ngày ban hành 28/10/1985
Ngày có hiệu lực 12/11/1985
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Duy Gia
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-NH/TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1985

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 8-NH/TT NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN VIỆC QUY ĐỔI TIỀN GỬI TIẾT KIỆM THEO TỶ LỆ ƯU ĐÃI TRONG KỲ THU ĐỔI TIỀN 14-9-1985

Trong kỳ thu đổi tiền ngày 14-9-1985 Nhà nước đã có công bố chính sách ưu đãi đối với người có tiền gửi tiết kiệm. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cần phổ biến sâu rộng trong nhân dân và tổ chức chấp hành đúng đắn, để động viên mọi người hăng hái gửi tiền vào quỹ tiết kiệm.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi và việc hạch toán kế toán trong hệ thống Quỹ tiết kiệm và Ngân hàng Nhà nước như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TÍNH QUY ĐỔI THEO TỶ LỆ ƯU ĐÃI

1. Quyết định số 01-HĐBT-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định mọi số tiền gửi tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:

- Tiền gửi từ ngày 1-3-1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 2-3-1978 đến ngày 31-5-1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến ngày 31-12-1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-1-1985 đến ngày 31-7-1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-8-1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

2. Trong lúc chưa tính xong việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi, mà có người đem sổ đến gửi thêm tiền vào hoặc lĩnh tiền ra, thì nhân viên quỹ tiết kiệm gạch ngang một dòng, chuyển số dư đến cuối ngày 13-9-1985 xuống dòng kế tiếp, ghi số dư ngày 14-9-1985 theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới và tiếp tục ghi số phát sinh theo tiền mới; khi nào tính quy đổi xong sẽ ghi thêm phần tiền chênh lệch được hưởng theo tỷ lệ ưu đãi. 3. Những trường hợp sau đây không thuộc diện quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi:

- Các loại tiền gửi không thuộc thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành, như tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất cao để thu mua lương thực, tiền gửi tiết kiệm cho vay xuất khẩu, tiền tiết kiệm do Hợp tác xã tín dụng huy động.

- Tiền công quỹ của các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng đem gửi theo thể thức tiết kiệm. Cần phát hiện để loại những số tiền này ra khỏi tiền gửi tiết kiệm và thu hồi lại số tiền lãi, tiền thưởng mà quỹ tiết kiệm đã trả.

- Chưa tính tỷ lệ quy đổi ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm có từ trước mà chưa đổi sổ năm 1978. Trường hợp người gửi tiền trực tiếp khiếu nại thì chuyển lên Giám đốc Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã giải quyết.

- Không tính thời gian gửi tiền tiết kiệm liên tục đối với các sổ tiết kiệm đã tất toán số dư hoặc tất toán sổ tiết kiệm này để thay bằng số tiết kiệm khác trong thời gian từ ngày 1-3-1978 đến ngày 13-9-1985, trừ các trường hợp sau đây: sổ tiết kiệm đã sử dụng hết số trang, phải chuyển sang sổ mới để tiếp tục giao dịch; trường hợp người gửi tiền di chuyển chỗ ở, chuyển số tiền trên sổ tiết kiệm qua Ngân hàng Nhà nước để gửi vào Quỹ tiết kiệm tại địa phương nơi mình đến; trường hợp mất sổ tiết kiệm đã được xét cấp sổ mới. Trong các trường hợp nêu trên, người có tiền gửi tiết kiệm phải kê khai, các quỹ tiết kiệm có liên quan phải xác minh bằng biên bản hợp lệ do Giám đốc Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã xác nhận.

4. Trước khi quy đổi, phải tiến hành sao kê số dư tiền gửi tiết kiệm theo từng thời điểm để đối chiếu. Bản sao kê này phải do một hội đồng kiểm tra, xác nhận (sau khi kiểm tra xác nhận, Hội đồng phải ký biên bản kiểm tra). Hội đồng gồm có: Giám đốc Quỹ tiết kiệm, Trưởng kế toán ngân hàng, Trưởng kế toán quỹ tiết kiệm và một cán bộ thanh tra Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã.

II. CÁCH TÍNH QUY ĐỔI THEO TỶ LỆ ƯU ĐÃI

Việc tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi phải căn cứ vào số dư ở các thời điểm quy định.

Số dư ở thời điểm nào thì quy đổi theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

Thời điểm có số dư tăng thì quy đổi số tăng theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

Thời điểm có số dư giảm thì quy đổi số giảm theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

Cộng số tiền ở các thời điểm có số dư tăng, trừ đi số tiền ở các thời điểm có số dư giảm là số tiền được quy đổi. Sau đây là một số thí dụ:

- Thí dụ A:

Các thời điểm

Số dư

Số dư được tính

Tỷ lệ quy đổi

Số tiền quy đổi (tiền mới)

1-3-1978

10000đ

- 10000 đ

1 = 1

- 10000 đ

31-5-1981

15000đ

- 5000 đ

2 = 1

- 2500 đ

31-12-1984

8000đ

- 7000 đ

6 = 1

- 1166 đ

31-7-1985

2000đ

- 6000 đ

9 = 1

- 666 đ

3-9-1985

3000đ

- 1000 đ

10 = 1

- 100 đ

- Số tiền được quy đổi: 10768 đ

- Số dư trên sổ tiết kiệm ngày 13-9-1985 đã quy đổi 10 = 1: 300 đ

- Số tiền được bổ sung vào sổ tiết kiệm: 10.468 đ

[...]