Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 79/2013/TT-BQP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 79/2013/TT-BQP
Ngày ban hành 26/06/2013
Ngày có hiệu lực 14/08/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2013/TT-BQP

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ, CÁN BỘ PHÁP CHẾ TRONG QUÂN ĐỘI

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổ chức pháp chế;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong Quân đội có liên quan đến công tác pháp chế.

Điều 3. Vị trí, chức năng

1. Vị trí

a) Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan nghiệp vụ đầu ngành về công tác pháp chế trong Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy về mọi mặt của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác pháp chế; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Văn phòng Bộ Quốc phòng và Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng về công tác Đảng, công tác chính trị và hành chính quân sự.

b) Tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế ở cơ quan, đơn vị là cơ quan, cán bộ chuyên ngành nghiệp vụ về công tác pháp chế, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng ủy và chỉ huy cơ quan, đơn vị; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, chỉ huy cơ quan văn phòng (cơ quan tham mưu tổng hợp hoặc cơ quan hành chính) cùng cấp về công tác Đảng, công tác chính trị và hành chính quân sự.

2. Chức năng

a) Vụ Pháp chế có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý công tác bồi thường của Nhà nước; thực hiện pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; nghiên cứu, tổng hợp các mặt công tác pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

b) Tổ chức pháp chế (trợ lý, cán bộ pháp chế) ở cơ quan, đơn vị có chức năng (chức trách) tham mưu giúp chỉ huy cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức quản lý công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm nội bộ, văn bản hành chính; thẩm định, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật theo quy định.

3. Tổ chức pháp chế (cán bộ hoặc nhân viên pháp chế) ở doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng (chức trách) tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về tổ chức thực hiện công tác pháp chế và những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 4. Tổ chức pháp chế trong Quân đội

1. Tổ chức pháp chế trong Quân đội gồm:

a) Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.

b) Tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế ở cơ quan, đơn vị.

2. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ, nhân viên pháp chế chuyên trách ở doanh nghiệp.

3. Bộ Tổng Tham mưu quy định cụ thể về tổ chức, biên chế cơ quan pháp chế, trợ lý (hoặc cán bộ) pháp chế trong Quân đội.

[...]