Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 76-NV/DC năm 1958 về việc áp dụng thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp do Bộ Nội Vụ ban hành

Số hiệu 76-NV/DC
Ngày ban hành 29/11/1958
Ngày có hiệu lực 14/12/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phan Kế Toại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76-NV/DC

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỂ LỆ BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị Việt bắc, Tự trị Thái Mèo, Khu Hồng quảng
- Ủy ban Hành chính các thành phố
- Ủy ban Hành chính các tỉnh và Khu vực Vĩnh Linh

 

Để thi hành các điều khoản trong Sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 và Nghị định số 432-TTg ngày 25-09-1957 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ gửi thông tư này hướng dẫn Ủy ban Hành chính các cấp thực hiện các công tác sau đây:

I. – Lập danh sách cử tri.

II. – Tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

III. – Định các đơn vị bầu cử và tính số đại biểu cho mỗi đơn vị.

IV. – Định các khu vực bỏ phiếu.

V. – Thành lập Hội đồng bầu cử, các ban bầu cử và các tổ bầu cử.

VI. – Chuẩn bị vật liệu cần thiết cho cuộc bầu cử.

I. LẬP DANH SÁCH CỬ TRI

Lập danh sách cử tri là một công tác đặc biệt quan trọng, vì chỉ những người có tên trong danh sách cử tri mới có quyền bầu cử. Yêu cầu của công tác là: không bỏ sót một người có quyền bầu cử mà không ghi vào danh sách cử tri và không ghi lầm một người không có quyền bầu cử vào danh sách; do đó phân rõ người có quyền bầu cử và người không có quyền bầu cử, bảo vệ quyền bầu cử thiêng liêng của cử tri, củng cố hơn nữa nền dân chủ nhân dân chuyên chính.

Ai là cử tri?

Theo sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp thì:

1. – Các công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, gái trai, nghề nghiệp, giàu nghèo, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử.

Công dân trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử như những công dân khác.

2. – Những địa chủ sau đây, tuy chưa được thay đổi thành phần, cũng được bầu cử và ứng cử:

- địa chủ kháng chiến;

- địa chủ thường được Ủy ban Hành chính và Ban Chấp hành Nông hội xã đề nghị cho bầu cử và ứng cử, và được, Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y.

3. – Những người sau đây không có quyền bầu cử và ứng cử:

- Người bị pháp luật hoặc tòa án tước công quyền.

- Người bị bệnh điên.

- Địa chủ chưa được thay đổi thành phần (trừ những người đã nói ở điểm 2).

Các Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, khu phố và thị xã (ở các thị xã không có khu phố) là các cấp chính quyền cơ sở có nhiệm vụ lập danh sách cử tri.

Nếu các đơn vị bộ đội trú quân ở các địa phương tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân ở địa phương thì Ban chỉ huy đơn vị sẽ lập danh sách cử tri riêng của đơn vị mình.

A. - KẾ HOẠCH – PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH:

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử danh sách cử tri phải được niêm yết để nhân dân kiểm soát, cho nên sau khi dự hội nghị để nghe phổ biến kế hoạch và thể lệ bầu cử, Ủy ban Hành chính họp để bàn kế hoạch chi tiết tiến hành công tác; công tác đầu tiên là lập danh sách cử tri.

[...]