Thông tư 74/2002/TT-BTC hướng dẫn việc đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo của Ngân hàng thương mại Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 74/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 09/09/2002
Ngày có hiệu lực 24/09/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 74/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 74/2002/TT-BTC NGÀY 9 THÁNG 9 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐÁNH GIÁ LẠI KHOẢN NỢ TỒN ĐỌNG KHÔNG CÓ TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xử lý nợ tồn đọng của các Ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính hướng dẫn việc đánh giá lại khoản nợ không có tài sản bảo đảm của Ngân hàng thương mại nhà nước mà đối tượng vay là các doanh nghiệp nhà nước, đang hoạt động như sau:

I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này được áp dụng để đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm của các ngân hàng thương mại nhà nước đã quá hạn thanh toán đến thời điểm ngày 31/12/2000, hiện còn dư nợ đến thời điểm xử lý nợ mà đối tượng nợ là các doanh nghiệp nhà nước hiện còn tồn tại, đang hoạt động.

2. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hiện còn tồn tại, đang hoạt động không thuộc diện phải giải thể, phá sản có nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm tại ngân hàng thương mại nhà nước.

3. Một số khái niệm:

Trong thông tư này, những khái niệm sau đây được hiểu như sau:

a) "Nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm" là khoản nợ tồn đọng không áp dụng các biện pháp cầm cố, thế chấp, nhận gán nợ bằng tài sản của doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp bảo đảm khác như bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, nhận tài sản do toà án giao.

b) "Đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm của Ngân hàng thương mại nhà nước" là việc xác định giá trị tài sản thực có của doanh nghiệp nhà nước để thanh toán nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhằm xác định giá trị thực còn và khả năng thu hồi khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại nhà nước.

4. Các nguyên tắc chung:

a) Các doanh nghiệp nhà nước hiện còn tồn tại, đang hoạt động phải thanh toán các khoản nợ tồn đọng cho các chủ nợ, bao gồm cả khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Trường hợp không còn hoặc thiếu khả năng thanh toán thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo các quy định hiện hành.

b) Việc xác định và đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhằm mục tiêu giúp các ngân hàng thương mại nhà nước đánh giá được khả năng thực tế có thể thu hồi khoản nợ này.

c) Việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp để đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm chỉ áp dụng để xác định giá trị thực còn và khả năng thu hồi các khoản nợ không có tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại nhà nước. Không áp dụng để xác định lại giá trị thực còn và khả năng thu hồi các khoản nợ không có bảo đảm của các chủ nợ khác và không áp dụng để điều chỉnh lại giá trị tài sản trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

d) Các ngân hàng thương mại nhà nước phải phân loại nợ, lập hồ sơ, chủ động xử lý nợ tồn đọng theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước. Riêng khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm cần đánh giá lại thì ngân hàng thương mại nhà nước cùng với doanh nghiệp thực hiện đánh giá lại khoản nợ theo quy định của Thông tư này. Trường hợp nhiều ngân hàng thương mại nhà nước đều có khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm tại một doanh nghiệp nhà nước thì các ngân hàng thương mại nhà nước phải phối hợp với nhau (do ngân hàng có nợ lớn nhất chủ trì) để cùng thực hiện đánh giá lại và xác định giá trị thực còn của khoản nợ không có bảo đảm của từng ngân hàng.

II/ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

1. Xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp:

1.1. Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là giá trị toàn bộ tài sản (tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài sản cố định và đầu tư dài hạn) hiện có trên sổ kế toán thuộc quyền sở hữu, quản lý và sử dụng của doanh nghiệp tại thời điểm xử lý nợ, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất trong trường hợp doanh nghiệp thế chấp khoản vay có bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất.

a) Căn cứ xác định giá trị tài sản:

- Tài liệu, chứng từ và số liệu kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị thực còn của khoản nợ không có tài sản bảo đảm và báo cáo tài chính quý gần nhất.

- Số lượng và chất lượng tài sản theo kết quả kiểm kê thời điểm gần nhất và kết quả phân loại tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị thực còn của khoản nợ không có tài sản bảo đảm.

- Tính năng kỹ thuật của tài sản, nhu cầu sử dụng và giá thị trường của tài sản tại thời điểm xác định giá trị thực còn của khoản nợ không có tài sản bảo đảm.

- Giá trị quyền sử dụng đất trong trường hợp doanh nghiệp thế chấp khoản vay có bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất theo giá thời điểm thế chấp.

b) Cách xác định giá trị tài sản:

- Giá trị tài sản của doanh nghiệp được xác định theo số lượng và giá ghi trên sổ kế toán hoặc theo số dư ghi trên sổ kế toán thời điểm lập báo cáo tài chính quý gần nhất.

+ Đối với tài sản cố định, tài sản lưu động tính theo số lượng tài sản và giá của tài sản ghi trên sổ kế toán thời điểm lập báo cáo tài chính quý gần nhất.

[...]