BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 68/2018/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 6
tháng 8 năm 2018
|
THÔNG
TƯ
HƯỚNG
DẪN XÁC ĐỊNH NHU CẦU, NGUỒN VÀ PHƯƠNG THỨC CHI THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG CƠ
SỞ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2018/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2018 VÀ ĐIỀU CHỈNH TRỢ
CẤP HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ ĐÃ NGHỈ VIỆC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/2018/NĐ-CP
NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công
chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 6 năm 2018 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và
trợ cấp hàng tháng;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26
tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28
tháng 04 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ
ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh
xã hội giai đoạn 2017-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà
nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư
hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức
lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 và điều
chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số
88/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ.
Điều 1. Quy
định chung
1. Thông tư này quy định về việc xác
định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện:
a) Điều chỉnh mức lương cơ sở đối với
các đối tượng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại
Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định mức
lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây
gọi tắt là Nghị định số 72/2018/NĐ-CP).
b) Điều chỉnh quỹ phụ cấp cho người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo mức khoán quy định
tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009
của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ,
công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở
cấp xã.
c) Điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã
nghỉ việc theo Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính
phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng
theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính
phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (sau
đây gọi tắt là Nghị định số 88/2018/NĐ-CP).
2. Căn cứ quy định tại Nghị định số
72/2018/NĐ-CP, Nghị định số 88/2018/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, các
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau
đây gọi tắt là “các bộ, cơ quan Trung ương”) và ủy ban nhân dân (sau đây gọi
tắt là “UBND”) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức, hướng dẫn, tổng hợp nhu
cầu và nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở của các cơ quan, đơn vị và các
cấp trực thuộc; điều chỉnh quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo mức khoán; điều chỉnh trợ cấp hàng tháng
cho cán bộ xã đã nghỉ việc, gửi Bộ Tài chính theo quy định.
b) Xác định, bố trí nguồn kinh phí đầy
đủ, kịp thời để chi trả cho các đối tượng theo đúng chế độ quy định và hướng
dẫn tại Thông tư này, gồm: tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức, lực
lượng vũ trang và các đối tượng khác; trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc; phụ
cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Điều 2. Xác
định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số
72/2018/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số
88/2018/NĐ-CP
1. Đối tượng cán bộ, công chức, viên
chức, người làm việc được điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện theo hướng dẫn
tại Thông tư số 06/2018/TT-BNV ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp
trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ
chức chính trị - xã hội và hội và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong
đó, chú ý một số nội dung sau:
a) Tổng số cán bộ, công chức, viên
chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là
số thực có mặt tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2018. Tổng số biên chế được
cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) của các bộ, cơ quan Trung ương và các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các căn cứ sau:
- Đối với biên chế của các bộ, cơ quan
trung ương: biên chế các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện
Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết của Uỷ ban thường
vụ Quốc hội; biên chế của Văn phòng Chủ tịch nước theo Quyết định của Chủ tịch
nước; biên chế các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương theo
thông báo của Ban Tổ chức Trung ương; biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
theo quyết định của cấp có thẩm quyền; biên chế hành chính nhà nước, số lượng
người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường
xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của các bộ,
cơ quan trung ương khác theo quyết định giao của Bộ Nội vụ.
- Đối với biên chế của các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương: biên chế hành chính nhà nước theo quyết định giao
của Bộ Nội vụ; số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo phê
duyệt của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật; biên
chế các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương theo thông báo
của Ban Tổ chức Trung ương. Riêng biên chế cán bộ chuyên trách, công chức cấp
xã được xác định trong phạm vi định biên theo quy định tại khoản
1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính
phủ.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng
lao động thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân được xếp lương theo Nghị
định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền
lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
b) Nhu cầu thực hiện điều
chỉnh tiền lương của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gửi Bộ Tài chính
không bao gồm:
- Số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế
được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2018; các cơ quan, đơn vị xử
lý theo quy định của pháp luật.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng
theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 72/2018/NĐ-CP
(không bao gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng thuộc quân đội nhân dân,
công an nhân dân quy định tại điểm a khoản 1 Điều này); các cơ quan, đơn vị bố
trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao và các nguồn thu hợp pháp khác để
chi trả cho các đối tượng này.
2. Nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức
lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP cho các đối tượng nêu tại điểm a khoản
1 Điều này căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch,
bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm
việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức
tuyệt đối), tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn). Trong đó, cách thức xác định
mức lương, phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có
thẩm quyền.
Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí
tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách
sau:
a) Đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ
quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (thuộc đơn vị
dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm), hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc
phòng; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Công an; đóng bảo hiểm
y tế cho thân nhân người làm công tác cơ yếu.
b) Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với
cấp uỷ viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24 tháng 6 năm 2008 của Ban
Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp uỷ thuộc cấp tỉnh
theo Quy định số 09-QĐ/VPTW ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Trung ương
Đảng.
c) Hoạt động phí của Đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp.
d) Hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người
hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức
khoán từ ngân sách trung ương (đã bao gồm kinh phí tăng thêm để thực hiện chế
độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã).
3. Nhu cầu kinh phí của các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả phần ngân sách nhà nước cấp để thực
hiện chính sách tinh giản biên chế, chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công
tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu cho các đối tượng do địa phương quản lý theo quy định
của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về
chính sách tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2014/NĐ-CP),
Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chế
độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức
vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước,
tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 26/2015/NĐ-CP) và
các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
4. Nhu cầu kinh phí điều chỉnh trợ cấp
tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc được xác định căn cứ vào số đối tượng thực có
mặt tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức trợ cấp tăng thêm quy định tại Điều 2 Nghị định số 88/2018/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số
08/2018/TT-BNV ngày 28 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực
hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với cán
bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội
đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng
Bộ trưởng.
5. Nhu cầu kinh phí thực hiện các chế
độ phụ cấp, trợ cấp tính trên lương, ngạch, bậc hoặc mức lương cơ sở được Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương
sau thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2018 (nếu có) được tổng hợp vào nhu cầu kinh
phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 và xử lý nguồn thực hiện theo các
quy định của Thông tư này.
Điều 3. Xác
định nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP
và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 88/2018/NĐ-CP
1. Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định
số 72/2018/NĐ-CP trong năm 2018 của các bộ, cơ quan Trung ương:
a) Đối với các cơ quan hành chính nhà
nước, Đảng, đoàn thể:
- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương
đến hết năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2018 (nếu có).
- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để
lại theo chế độ năm 2018 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện điều
chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng). Phạm
vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
- Nguồn tiết kiệm chi gắn với thực
hiện các giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo
quy định (từ định mức chi hoạt động, chi lương dành ra cho số biên chế được
tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính và từ các giải pháp khác nếu có theo quy
định).
Trường hợp các nguồn kinh phí theo quy
định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định
tại Điều 2 Thông tư này; cơ quan, đơn vị phải tự bố trí, sắp
xếp trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 được giao để bảo đảm
đủ nguồn thực hiện.
Trường hợp cơ quan, đơn vị sau khi bảo
đảm đủ nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này mà nguồn thu dành để cải cách tiền
lương còn dư lớn và có nhu cầu phát triển hoạt động, thì đề xuất phương án sử
dụng, báo cáo bộ, cơ quan Trung ương quản lý để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính có ý
kiến thống nhất trước khi sử dụng; đồng thời phải cam kết tự bảo đảm nguồn kinh
phí của cơ quan, đơn vị để điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ
quan có thẩm quyền quyết định.
b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập:
- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương
đến hết năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2018 (nếu có).
- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để
lại theo chế độ năm 2018 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức
lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng). Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế
công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo
hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
- Nguồn tiết kiệm chi gắn với thực
hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và
hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định (từ định mức
chi hoạt động, chi lương dành ra cho số biên chế được tinh giản, từ phần ngân
sách nhà nước dành ra khi tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài
chính, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập và từ các giải pháp khác nếu
có theo quy định).
Trường hợp các nguồn kinh phí theo quy
định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định
tại Điều 2 Thông tư này, các đơn vị phải tự sắp xếp, bố trí
từ các nguồn thu của đơn vị theo quy định và dự toán chi ngân sách nhà nước năm
2018 được giao (nếu có) để bảo đảm đủ nguồn thực hiện.
Trường hợp sau khi bảo đảm nguồn kinh
phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 2 Thông tư
này mà nguồn thu dành để cải cách tiền lương còn dư lớn và có cam kết tự
bảo đảm nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm
theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì được sử dụng nguồn còn
dư để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn, thực hiện cơ chế tự chủ theo
quy định hiện hành; kết thúc năm ngân sách, báo cáo cơ quan chủ quản để tổng
hợp báo cáo Bộ Tài chính kết quả sử dụng nguồn kinh phí này.
2. Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định
số 72/2018/NĐ-CP, Nghị định số 88/2018/NĐ-CP trong năm 2018 của các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
a) Nguồn kinh phí:
- Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi
thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản
có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2018
tăng thêm so với dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài
chính.
- Sử dụng nguồn 50% nguồn tăng thu
ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực
hiện so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải
cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
- Sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau
khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1,3 triệu
đồng/tháng, từ các nguồn:
+ Tiết kiệm 10% chi thường xuyên
(không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất
lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2017 theo Quyết
định giao dự toán của Bộ Tài chính.
+ Nguồn tiết kiệm chi gắn với thực
hiện các giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi
mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định (từ định mức chi hoạt động, chi
lương dành ra cho số biên chế được tinh giản; từ phần ngân sách nhà nước dành
ra do sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố; từ
phần ngân sách nhà nước dành ra khi tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự
chủ về tài chính, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập và từ các giải pháp
khác nếu có theo quy định).
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để
lại theo chế độ năm 2018; riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công
lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo
hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
+ 50% nguồn tăng thu ngân sách địa
phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018
so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao.
b) Ngân sách trung ương bổ sung nguồn
kinh phí còn thiếu đối với những địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã sử
dụng các nguồn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Đối với các địa phương có nguồn
kinh phí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này lớn hơn nhu cầu kinh phí theo
quy định tại Điều 2 Thông tư này, các địa phương tự bảo đảm
phần kinh phí thực hiện; phần chênh lệch lớn hơn sử dụng để chi trả thay phần
ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung
ương ban hành (giảm tương ứng phần ngân sách trung ương phải hỗ trợ theo chế
độ) theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 579/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục
tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách
an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020.
d) Đối với các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương tự cân đối thu, chi ngân sách địa phương và cam kết bảo đảm
nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ
quan có thẩm quyền quyết định, UBND cấp tỉnh được quyết định tỷ lệ trích nguồn
thu được để lại theo chế độ để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ
quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn trên địa bàn cho phù hợp (bảo
đảm các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp, bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền
lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định). Ngân sách trung ương
không bổ sung kinh phí để cải cách tiền lương cho các địa phương này.
đ) Đối với các cơ quan hành chính,
Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương,
có nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 còn dư: UBND cấp tỉnh căn cứ
nội dung hướng dẫn đối với các cơ quan, đơn vị do Trung ương quản lý theo quy
định tại điểm a, b khoản 1 Điều này để quy định cụ thể, phù hợp với tình hình
thực tế của địa phương. Trong đó, thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn thực hiện
cải cách tiền lương còn dư đối với cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể do UBND
cấp tỉnh quyết định; đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giao UBND cấp tỉnh quy
định cụ thể, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp
công lập.
3. Số thu được để lại theo chế độ quy
định tại khoản 1 và 2 Điều này phải bảo đảm nguyên tắc không được trừ chi phí
trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước
bảo đảm chi phí cho hoạt động thu. Phạm vi và tỷ lệ trích từ nguồn thu được để
lại (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này),
chú ý một số điểm sau:
a) Đối với cơ quan hành chính: sử dụng
tối thiểu 40% số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về
phí, lệ phí) được để lại theo chế độ.
b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự
nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên:
- Đối với số thu phí (thuộc danh mục
phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): sử dụng tối thiểu 40% số thu
được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí trực tiếp đến hoạt động cung
cấp dịch vụ, thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Đối với số thu học phí chính quy: sử
dụng tối thiểu 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn
bộ số thu học phí (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí
theo quy định).
- Đối với số thu từ việc cung cấp các
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở
y tế công lập: sử dụng tối thiểu 35% số thu sau khi trừ các khoản chi phí đã
được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (chi phí thuốc,
máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ
cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi
trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ và
chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).
- Đối với số thu dịch vụ, các hoạt
động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: sử dụng tối thiểu 40% số thu từ
các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí trực tiếp đã tính vào giá dịch
vụ cho các hoạt động này và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
4. Các cơ quan hành chính được cấp có
thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công
lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự
bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư
và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, các
cơ sở giáo dục đại học công lập tiếp tục được cấp có thẩm quyền cho phép thực
hiện tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014
của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục
đại học công lập giai đoạn 2014-2017: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu
phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn
kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả
nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2017 chưa sử dụng (nếu có).
5. Kinh phí thực hiện Nghị định số
72/2018/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của hệ thống công đoàn các cấp được
đảm bảo từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn; không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí
thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của các bộ, cơ quan Trung ương và các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Kinh phí thực hiện Nghị định số
72/2018/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã
hội Việt Nam và cán bộ thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm từ
nguồn chi quản lý bộ máy theo quy định.
7. Kinh phí thực hiện Nghị định số
72/2018/NĐ-CP đối với biên chế, lao động trong các cơ quan, đơn vị đã thực hiện
khoán chi mà trong quyết định khoán chi của cấp có thẩm quyền quy định trong
thời gian khoán, cơ quan, đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế
độ, chính sách mới ban hành (ví dụ: cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Đài Truyền
hình Việt Nam), được bảo đảm trong tổng nguồn kinh phí đã được khoán.
Điều 4. Báo
cáo, thẩm định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP,
Nghị định số 88/2018/NĐ-CP
1. Tất cả các bộ, cơ quan Trung ương
và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kể cả các bộ, cơ quan Trung ương
và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện)
có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn
kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP và Nghị định số 88/2018/NĐ-CP,
gửi Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 15 tháng 10 năm 2018.
2. Bộ Tài chính không thẩm định nhu
cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP năm 2018 đối với các
bộ, cơ quan Trung ương; các bộ, cơ quan Trung ương quyết định việc thẩm định
nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP đối với cơ quan,
đơn vị trực thuộc.
3. Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và
nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 đối với các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
Đối với các địa phương khó khăn, thiếu
nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương năm 2018, chậm nhất đến ngày 01
tháng 12 năm 2018 phải có báo cáo đầy đủ nhu cầu, nguồn và đề nghị mức hỗ trợ
từ ngân sách trung ương theo biểu mẫu quy định gửi Bộ Tài chính. Quá thời hạn
trên, nếu địa phương không có báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ, địa phương tự
bố trí, sắp xếp nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
(Các bộ, cơ quan
Trung ương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu
mẫu số 1, 3a, 3b
và 3c; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu số 2a,
2b, 2c, 2d, 2đ, 2e, 2g, 4a và 4b ban hành
kèm theo Thông tư này).
Điều 5.
Phương thức chi trả kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP, Nghị định số
88/2018/NĐ-CP
1. Các bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo,
hướng dẫn các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn theo quy định để chi trả tiền
lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng
chế độ quy định.
2. Đối với các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có nguồn lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số
72/2018/NĐ-CP và Nghị định số 88/2018/NĐ-CP, địa phương chủ động sử dụng nguồn
tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (phần giữ lại tập
trung) để bổ sung nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán cùng cấp và cấp ngân
sách trực thuộc còn thiếu nguồn.
3. Đối với các địa phương khó khăn, có
nhu cầu kinh phí để thực hiện chế độ theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP và Nghị
định số 88/2018/NĐ-CP lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định tại Thông tư này:
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ
sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện tạm cấp kinh phí cho ngân sách cấp
dưới chưa đủ nguồn. Số kinh phí tạm cấp được giảm trừ khi cấp có thẩm quyền bổ
sung kinh phí thực hiện chính thức. Các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động
sử dụng dự toán ngân sách năm 2018 đã được giao và nguồn thu được để lại theo
chế độ để kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho các đối
tượng theo quy định tại Thông tư này. Các địa phương khó khăn, có văn bản gửi
Bộ Tài chính để tạm cấp kinh phí thực hiện theo quy định.
4. Kế toán và quyết toán: Việc kế
toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho các đối
tượng theo quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật ngân sách
nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.
Điều 6. Tổ
chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày
19 /9/2018.
2. Thông tư số 67/2017/TT-BTC ngày 30
tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương
thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP
ngày 24 tháng 4 năm 2017, điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã
nghỉ việc theo Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Chính
phủ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm
pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng
văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế.
4. Căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ
quan, địa phương mình và các quy định tại Thông tư này, Thủ trưởng các bộ, cơ
quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quy định về thời gian, biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị và các cấp ngân sách
trực thuộc phù hợp với quy định về việc tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính tại Thông
tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính
để kịp thời xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG
Đỗ
Hoàng Anh Tuấn
|