BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 09-QĐ/VPTW
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 9 năm 2017
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỈNH ỦY, THÀNH ỦY
TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
- Căn cứ Quyết định số 189-QĐ/TW, ngày 10/4/2013
của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng
Trung ương Đảng;
- Căn cứ Thông báo kết luận số 254-TB/TW, ngày
10/7/2009 của Ban Bí thư về việc ban hành một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động
của các cơ quan đảng Trung ương và các cấp ủy địa phương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính và Quản
lý đầu tư, Văn phòng Trung ương Đảng quy định một số chế độ chi tiêu hoạt động
của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
I- QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1- Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định một số chế độ chi tiêu hoạt
động của tỉnh ủy, thành ủy; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung
ương.
2- Đối tượng áp dụng
- Tỉnh ủy, thành ủy.
- Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
- Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của
tỉnh ủy, thành ủy.
- Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp tỉnh,
các đảng ủy khối là đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách tỉnh ủy, thành ủy thực
hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 Quy định này.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Chế độ chi xây dựng và thẩm định
trình tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ban hành văn bản theo
Quy định số 66-QĐ/TW, ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, gồm: nghị
quyết, quy chế, quy định, đề án
1- Chi xây dựng văn bản
a) Đối với văn bản mới
- Văn bản do tỉnh ủy, thành ủy
quyết định ban hành: Tổng mức kinh phí tối đa 30.000.000 đồng/văn bản.
- Văn bản do ban thường vụ tỉnh
ủy, thành ủy quyết định ban hành: Tổng mức kinh phí tối đa 20.000.000 đồng/văn
bản.
b) Đối với văn bản sửa đổi, bổ
sung
Tùy theo nội dung, phạm vi sửa
đổi, tổng mức kinh phí tối đa bằng 50% Điểm a, Khoản này.
c) Trường hợp văn bản có phạm
vi nghiên cứu rộng, nội dung phức tạp, cơ quan chủ trì lập dự toán trình ban
thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định.
d) Tổng mức kinh phí quy định
tại Điểm a, b, c Khoản này được chi cho một số nội dung cụ thể sau đây:
- Xây dựng kế hoạch, đề cương
sơ bộ, đề cương chi tiết và biên tập, chỉnh sửa đến hoàn chỉnh văn bản; soạn thảo
báo cáo giải trình (nếu có), tờ trình và văn bản chỉ đạo.
- Chi họp, hội thảo (chế độ
chi thực hiện theo quy định hiện hành); chi bồi dưỡng các bộ phận văn thư, đánh
máy, in ấn, nhân sao, phát hành tài liệu; bồi dưỡng cho công tác lập dự toán và
quyết toán kinh phí.
Mức phân bổ kinh phí chi cho
các nội dung trên do lãnh đạo cơ quan được giao chủ trì xem xét, quyết định cụ
thể.
e) Chi văn phòng phẩm được
thanh toán từ kinh phí thường xuyên của cơ quan chủ trì.
f) Đối với các văn bản có sử
dụng tài liệu nước ngoài, phải điều tra xã hội học, ban thường vụ tỉnh ủy,
thành ủy quyết định về nội dung, đối tượng, phạm vi điều tra. Chế độ chi cho dịch
thuật và điều tra xã hội học thực hiện theo các quy định hiện hành.
2- Chi cho công tác thẩm định
văn bản
Tổng mức kinh phí cho việc thẩm
định văn bản như sau:
- Văn bản trình tỉnh ủy: Mức
chi tối đa 5.000.000 đồng/văn bản.
- Văn bản trình ban thường vụ
tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/văn bản.
Kinh phí thẩm định do cơ quan
được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định chi.
Điều 3. Chế độ chi xây dựng một số văn
bản khác trình tỉnh ủy, thành ủy; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy
1- Xây dựng chương trình làm
việc toàn khóa của tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi tối đa 20.000.000 đồng/chương
trình; chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi
tối đa 10.000.000 đồng/chương trình.
2- Xây dựng chương trình làm
việc năm của tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi tối đa 5.000.000 đồng/chương trình.
3- Chi soạn thảo chỉ thị;
chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết (không xây dựng đề án) của
cấp ủy tỉnh, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/văn
bản.
4- Chi xây dựng báo cáo định
kỳ năm của tỉnh ủy, thành ủy: Mức chi tối đa 10.000.000 đồng/báo cáo.
5- Xây dựng các báo cáo khác:
Mức chi tối đa 6.000.000 đồng/báo cáo, bao gồm:
- Báo cáo sơ kết, tổng kết
chuyên đề thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy.
- Báo cáo công tác kiểm tra,
giám sát năm của tỉnh ủy, thành ủy.
- Báo cáo công tác tài chính
đảng hàng năm và nhiệm kỳ trình tỉnh ủy, thành ủy.
Điều 4. Chế độ chi cho các đoàn kiểm
tra, giám sát được thành lập theo quyết định của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy
Mức chi tối đa 8.000.000 đồng/cuộc
kiểm tra, giám sát. Nội dung chi bao gồm:
- Xây dựng chương trình kiểm
tra, giám sát bao gồm: Kế hoạch, đề cương kiểm tra, giám sát.
- Báo cáo kết quả kiểm tra,
giám sát; thông báo kết luận kiểm tra, giám sát.
- Chi họp đoàn kiểm tra, giám
sát.
Mức chi cụ thể do trưởng đoàn
kiểm tra, giám sát quyết định.
Điều 5. Chế độ chi hội nghị
Chế độ chi hội nghị thực hiện
theo quy định hiện hành của Nhà nước; đối với tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ của
đại biểu và khách mời một số hội nghị được quy định như sau:
- Hội nghị tỉnh ủy, thành ủy,
hội nghị do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy triệu tập và chủ trì (không bao gồm
hội nghị thường kỳ của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy) được chi tiền ăn cho đại
biểu, khách mời trong thời gian hội nghị, mức chi bằng 1,5 lần mức chi tiền ăn
của đại biểu không hưởng lương ngân sách theo quy định hiện hành và chi tiền
thuê phòng nghỉ (đối với đại biểu ở xa phải nghỉ lại trong thời gian hội nghị).
- Hội nghị tổng kết năm theo
ngành của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy tổ
chức được chi tiền ăn cho đại biểu, khách mời trong thời gian hội nghị; mức chi
bằng mức chi tiền ăn của đại biểu không hưởng lương ngân sách theo quy định hiện
hành.
- Một số hội nghị khác, tùy
theo quy mô, tính chất hội nghị, thường trực tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định
về tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ của đại biểu và khách mời.
Điều 6. Chế độ chi tiếp công dân
1- Chế độ bồi dưỡng
Thực hiện theo quy định của
Thông tư số 320/2016/TT-BTC, ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi
dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh.
2- Chế độ trang phục tiếp
công dân
Cán bộ, công chức được phân
công chuyên trách tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo được hỗ trợ
tiền may trang phục do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quy định và được hưởng
chế độ hỗ trợ trang phục theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Quy định
này.
Điều 7. Chế độ chi cho công tác xã hội
1- Chế độ tặng quà đối với
các đối tượng chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, người có công với nước,
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức yêu nước… Căn cứ tình hình thực tế
và khả năng ngân sách đã được bố trí, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét,
quyết định.
2- Chế độ thăm hỏi, phúng viếng
a) Chế độ thăm hỏi
- Ủy viên ban thường vụ, ủy
viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố (kể cả nguyên chức) khi ốm, điều trị
tại bệnh viện do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định, mức chi tối đa
2.000.000 đồng/người. Ban tổ chức trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và thực
hiện chế độ chi này.
- Cán bộ, công chức, người
lao động (kể cả người đã nghỉ hưu) làm việc trong các cơ quan chuyên trách tham
mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy khi ốm, điều trị tại bệnh viện: Thực hiện
chế độ thăm hỏi, mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người. Cán bộ, công chức, người
lao động thuộc cơ quan nào do cơ quan đó thực hiện chế độ chi này.
Trường hợp các đối tượng trên
đây bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt, mức chi do ban thường vụ tỉnh ủy,
thành ủy xem xét, quyết định.
b) Chế độ phúng viếng
- Ủy viên ban thường vụ, ủy
viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố (kể cả nguyên chức) khi từ trần: Mức
chi 2.500.000 đồng/người và 1 vòng hoa.
- Cán bộ, công chức, người
lao động (kể cả người đã nghỉ hưu) làm việc trong các cơ quan chuyên trách tham
mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy khi từ trần: Mức chi 2.000.000 đồng/người
và 1 vòng hoa.
- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (chồng);
vợ (chồng); con của ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh,
thành phố (kể cả nguyên chức) khi từ trần: Mức chi 1.500.000 đồng/người và 1
vòng hoa.
- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (chồng);
vợ (chồng); con của cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ
quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy khi từ trần: Mức
chi 1.000.000 đồng/người và 1 vòng hoa.
c) Các trường hợp thăm hỏi,
phúng viếng đối với các đối tượng chính sách, cán bộ, công chức và thân nhân ở
các cơ quan, đơn vị trong tỉnh không thuộc các đối tượng quy định tại Điểm a,
Điểm b, Khoản này thực hiện theo các quy định chung của địa phương.
Điều 8. Một số chế độ khác
1- Chế độ trang phục
a) Mỗi nhiệm kỳ, các đồng chí
ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố được hỗ trợ
tiền may trang phục với mức chi 3.000.000 đồng/người. Riêng các đồng chí là Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc là đại biểu Quốc hội thực hiện theo chế
độ của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc đại biểu Quốc hội.
b) Cán bộ, công chức, người
lao động làm việc trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy,
thành ủy mỗi năm được hỗ trợ tiền may trang phục 500.000 đồng/người/năm.
Đối tượng không áp dụng quy định
tại Điểm này: Cán bộ làm công tác cơ yếu; các đồng chí được hưởng chế độ trang
phục nêu tại Điểm a, Khoản này.
2- Chế độ bồi dưỡng phục vụ
hoạt động của tỉnh ủy, thành ủy
Cán bộ, công chức và người
lao động theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm việc
trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy được
hưởng chế độ bồi dưỡng hằng tháng hệ số 0,3 mức lương cơ sở.
3- Chế độ bồi dưỡng công tác
văn thư
Cán bộ, công chức làm công
tác văn thư tại các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành
ủy được hưởng chế độ bồi dưỡng hằng tháng hệ số 0,1 mức lương cơ sở.
4- Chế độ tặng quà lưu niệm
Cán bộ, công chức và người
lao động làm việc trong các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của tỉnh ủy,
thành ủy khi nghỉ hưu được tặng quà lưu niệm 1.000.000 đồng/người; khi chuyển
công tác đến các cơ quan, đơn vị không thuộc các cơ quan, đơn vị của Đảng được
tặng quà lưu niệm với mức chi 500.000 đồng/người.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1- Kinh phí thực hiện theo
các chế độ chi trong Quy định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước.
2- Cán bộ, công chức khi tham
gia các đoàn công tác theo các chương trình, đề án thuộc biên chế của cơ quan
nào thì cơ quan đó thanh toán chế độ công tác phí theo quy định hiện hành.
3- Đối với ban bảo vệ, chăm
sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, các đảng ủy khối là đơn vị dự toán trực thuộc ngân
sách tỉnh ủy, thành ủy:
- Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
cán bộ tỉnh được áp dụng các chế độ chi tại Quy định này chỉ thực hiện đối với
cán bộ, công chức, người lao động chuyên trách tại cơ quan.
- Các đảng ủy khối trực thuộc
tỉnh ủy, thành ủy được thực hiện các chế độ chi theo quy định tại Điều 7 và Điều
8 Quy định này. Các chế độ chi khác do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quy định
theo quy định tại Khoản 4, Điều này.
4- Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy
chủ trì, phối hợp với ban tổ chức, sở tài chính và các cơ quan có liên quan của
tỉnh, thành phố trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quy định và hướng dẫn cấp
ủy trực thuộc thực hiện các chế độ trên, mức chi từ 30% đến 50% mức chi của cấp
tỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
5- Quy định này được thực hiện
từ ngày 01/01/2018 và thay thế Quy định số 3115-QĐ/VPTW, ngày 04/8/2009 của Văn
phòng Trung ương Đảng.
|
CHÁNH VĂN PHÒNG
Nguyễn Văn Nên
|